Chơi với cả hai phía trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.

Tại sao các quốc gia lại có được an ninh đối ngoại từ Washington – và an ninh đối nội từ Bắc Kinh.

Tác giả  Sheena Chestnut Greitens và Isaac Kardon....15 Tháng Ba, 2024... Foreign Affairs.

Trong chuyến thăm Budapest vào cuối tháng Hai, Bộ trưởng Công an Trung Quốc, Vương Hiểu Hồng, đã có cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Hungary, Viktor Orban để thiết lập một thỏa thuận an ninh song phương mới. Trung Quốc và Hungary đã đồng ý hợp tác về thực thi pháp luật, cảnh sát và chống khủng bố, đặt quan hệ an ninh vào trung tâm ở mối quan hệ của họ.

Theo nhiều cách, đó là một thỏa thuận khó hiểu, vì Hungary đã là thành viên của một liên minh an ninh, NATO, qua đó bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công vũ trang. Nhưng việc Budapest theo đuổi các mối quan hệ an ninh với cả Bắc Kinh lẫn Washington là một ví dụ đáng chú ý về một xu hướng toàn cầu. Các mối quan hệ an ninh chồng chéo ngày càng phổ biến. Các quốc gia đa dạng như Papua New Guinea, Sierra Leone, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và Việt Nam đang thu hút sự hợp tác an ninh của Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng một lúc.

Hiện tượng này có một lời giải thích đơn giản: Bắc Kinh và Washington đang cung cấp các sản phẩm khác nhau, phản ánh các khái niệm đặc biệt của họ về an ninh, và mỗi nước cung cấp các loại hỗ trợ phù hợp nhất với họ. Hoa Kỳ củng cố an ninh ở bên ngoài, bảo vệ các đối tác của Mỹ về mặt quân sự chống lại các mối đe dọa trong khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc cung cấp an ninh đối nội, cung cấp cho các chính phủ các công cụ để chống lại rối loạn xã hội và đối lập chính trị.

Ngay cả sự tham gia của họ cũng có những hình thức khác nhau, Mỹ và Trung Quốc đều đang xử dụng các mối quan hệ an ninh để cạnh tranh ảnh hưởng, tăng cường sự cạnh tranh Mỹ-Trung, và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm. Thông qua các loại hỗ trợ mà họ cung cấp cho các nước thứ ba, Washington và Bắc Kinh cũng truyền đạt ý tưởng của riêng họ về vai trò thích hợp của an ninh trong một xã hội. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ phải học cách quản lý cuộc cạnh tranh mới này, và xử dụng quan hệ đối tác an ninh của Hoa Kỳ, để thúc đẩy các hình thức an ninh mà không ảnh hưởng đến dân chủ hoặc nhân quyền.

An ninh đối nội chống lại an ninh đối ngoại. 

Một quốc gia xem ra gặp rủi ro khi theo đuổi hợp tác an ninh với hai cường quốc vốn đang cạnh tranh trực tiếp với nhau. Nếu một nước đã nhận được sự hỗ trợ an ninh đáng tin cậy từ một cường quốc, thì việc khám phá quan hệ đối tác với cường quốc kia có thể khiến mối quan hệ đang có gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang thu hút cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc, thay vì chỉ chọn một. Và cho đến nay, Washington và Bắc Kinh đang cho phép điều đó.

Các quốc gia có thể theo đuổi các mối quan hệ kép này, vì chúng thường không cạnh tranh trực tiếp. Mục tiêu chính của Mỹ là an ninh khu vực: bảo vệ các đồng minh và đối tác chống lại các nước láng giềng đe dọa, cung cấp khả năng mở rộng sự răn đe hạt nhân, và chống lại các nhóm khủng bố xuyên quốc gia; dựa  vào lợi thế chắc nịch ở khả năng quân sự cao cấp của Mỹ. Washington đã xây dựng một mạng lưới đồng minh với các hiệp ước phòng thủ chung, và các quan hệ đối tác an ninh song phương khác, để giải quyết các thách thức đối với hòa bình và ổn định, bao gồm các mối đe dọa từ Trung Quốc và  Bắc Triều Tiên ở Đông Á, Iran ở Trung Đông và Nga ở châu Âu.

Bộ Quốc phòng Mỹ thường hướng dẫn các nỗ lực an ninh quốc tế của Hoa Kỳ. Họ thiết lập quan hệ đối tác với các bộ quốc phòng và lực lượng vũ trang của các nước khác, và xử dụng các mối quan hệ này để khai triển sức mạnh quân sự của Mỹ trong các khu vực ưu tiên. Ở đó, thực thi pháp luật và hợp tác tình báo luôn được tính đến trong quan hệ đối tác an ninh của Mỹ, nhưng trọng tâm vẫn là các mối đe dọa ở bên ngoài, chẳng hạn như các tổ chức khủng bố xuyên quốc gia, hoặc các băng đảng ma túy.

Trong khi đó, Trung Quốc cung cấp cho các chính phủ nước ngoài an ninh ở trong nước của họ, và an ninh cho chế độ của họ. Thông qua hợp tác về thực thi pháp luật và các biện pháp an ninh công cộng như giám sát kỹ thuật số, đào tạo cảnh sát và quản lý bạo loạn, Bắc Kinh giúp các đối tác duy trì quyền kiểm soát trong nước. Trung Quốc không cố gắng tái tạo mạng lưới liên minh quân sự như của Mỹ; ví dụ, ở Trung Đông, Bắc Kinh chủ yếu là trì hoãn vị thế của Washington như một nhà lãnh đạo an ninh khu vực. Trong nỗ lực tiếp cận gần đây với Hungary, Trung Quốc cũng không định vị nó là một sự thay thế cho sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Âu. Thay vào đó, các cơ quan an ninh nội địa của Trung Quốc đã thiết lập các kênh hợp tác song phương của riêng họ, tập trung vào ổn định nội bộ và kiểm soát chính trị.

Có một số chồng chéo trong hợp tác an ninh của Mỹ và Trung Quốc với các đối tác nước ngoài. Bắc Kinh tham gia vào hoạt động tiếp cận quân sự truyền thống, bán vũ khí, tham gia các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự chung với các nước như Bangladesh, Campuchia, Iran, Myanmar  và Nga. Giống như Hoa Kỳ, Trung Quốc tiến hành ngoại giao hải quân thường xuyên, để báo hiệu sự hiện diện và khả năng quân sự của mình. Một số quốc gia, bao gồm Pakistan và Thái Lan, đã nhận được viện trợ quân sự đáng kể từ cả Bắc Kinh lẫn Washington. Trung Quốc và Mỹ cũng dành sự quan tâm đáng kể, để giúp quân đội các đối tác phát triển năng lực cứu trợ thiên tai và các hoạt động hỗ trợ nhân đạo.

Nhưng sự chồng chéo này là một phần nhỏ của bức tranh lớn hơn, trong đó Mỹ và Trung Quốc hoạt động theo các mô hình an ninh hoàn toàn khác nhau. Washington và Bắc Kinh đều đã nêu rõ các mục tiêu an ninh quốc gia mở rộng, một phần do nhận thức của họ về bên kia như là một mối đe dọa, nhưng mỗi quốc gia đưa ra những ý tưởng riêng về an ninh là gì, và làm thế nào để đạt được nó.

Mỹ tập trung vào an ninh khu vực, phát triển và triển khai sức mạnh quân sự để giúp các đối tác cân bằng chống lại, răn đe và kháng cự các mối đe dọa bên ngoài, như sự xâm lược của Nga ở Ukraine, khả năng quân sự thông thường và hạt nhân ngày càng tăng của Bình Nhưỡng trên Bán đảo Triều Tiên. Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ năm  2022  nhấn mạnh tầm quan trọng của "mạng lưới liên minh và đối tác chưa từng có của Mỹ"  và vai trò của các lực lượng vũ trang trong việc "ngăn chặn ngoại giao, đối đầu với sự xâm lược, ngăn chặn xung đột, phô trương sức mạnh, bảo vệ người dân Mỹ và lợi ích kinh tế của họ". Nó ít tập trung vào các vấn đề an ninh trong nước, chẳng hạn như các mối đe dọa đối với an toàn công cộng từ tội phạm bạo lực, và -  không giống như chiến lược của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Lạnh -  không thúc đẩy viện trợ cho các lực lượng an ninh nội bộ thô bạo có thể giữ cho các nhà độc tài "thân thiện" nắm quyền.

Tuy nhiên, khái niệm an ninh quốc gia của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thì dựa trên "an ninh chính trị" –  bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc và chính ông Tập. Đối với ông Tập, an ninh đòi hỏi điều mà ông ta gọi là cách tiếp cận "toàn diện", ưu tiên cho các mối đe dọa nội bộ và an ninh của chế độ. Khía cạnh quốc tế, vốn chi phối tư duy an ninh quốc gia của Mỹ, ở Trung Quốc chỉ đóng vai trò là "sự hỗ trợ" cho những gì chủ yếu là một dự án trong nước, theo báo cáo của ông Tập trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2022. Cả trong và ngoài nước, so với Mỹ, Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào các cơ quan thực thi pháp luật, bán quân sự và cảnh sát mật để thực hiện chính sách an ninh. Và Bắc Kinh ngày càng sẵn sàng và sẵn sàng làm việc với các đối tác nói lên những yêu cầu tương tự  về an ninh của chế độ.

Hai nhà bảo trợ tốt hơn một. 

Các tiểu cường quốc tinh ranh có thể tận dụng lợi thế của cuộc cạnh tranh an ninh không đồng đều giữa Mỹ và Trung Quốc. Miễn là cả hai cường quốc cung cấp tài sản  an ninh mà không đòi hỏi một thỏa thuận độc quyền, thì các nước thứ ba có thể gặt hái những lợi ích.

Hungary là một trường hợp minh họa. Chính sách Trung Quốc của nước này từ lâu đã khác biệt với chính sách của các đối tác châu Âu;  Hungary là nước EU đầu tiên tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Bằng cách cản trở viện trợ của châu Âu cho Ukraine, và trì hoãn việc Thụy Điển gia nhập NATO để ngầm ủng hộ các mục tiêu của Nga, Hungary đã cho thấy họ sẵn sàng chơi trò hai mặt với các cường quốc khác, để đạt được sự nhượng bộ.

Cho đến nay, Budapest đã cố gắng duy trì sự cân bằng này. Là một đồng minh NATO,  Hungary được hưởng an ninh bên ngoài do Mỹ cung cấp. Nhưng khi chính phủ của Orban làm suy yếu các thể chế dân chủ của Hungary,  Budapest cũng được hưởng lợi từ quan hệ đối tác an ninh trong nước với Bắc Kinh, qua đó sẽ sớm chứng kiến cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên đường phố Hungary.

Điều này được nói lên qua việc Bắc Kinh đã cử cảnh sát trưởng trong nước của nó  đến Budapest, chứ không phải bộ trưởng quốc phòng hay bộ trưởng ngoại giao, để thảo luận về hợp tác an ninh. Trong một cuộc họp với ông Vương, Bộ trưởng Công an Trung Quốc, Sandor Pinter, Bộ trưởng Nội vụ Hungary, đã lặp lại luận điệu chính thức của Trung Quốc, bằng cách nhấn mạnh "sự bảo đảm an ninh và ổn định" là điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ tốt đẹp. Ít nhất, điều này phản ánh phần nào mối quan tâm của Orban rằng, sự tham gia của Hungary với Hoa Kỳ sẽ trao quyền cho một phe đối lập tự do có thể thách thức chế độ của ông ta. Mặc dù quan hệ đối tác của Budapest với Bắc Kinh và Washington chồng chéo lên nhau về một số vấn đề nhất định, chẳng hạn như chống khủng bố, nhìn chung  Hungary có những lý do khác nhau để duy trì mỗi mối quan hệ, và những kỳ vọng khác nhau về những gì mà mỗi nhà bảo trợ an ninh sẽ cung cấp.

Có lẽ Orban trơ trẽn hơn so với hầu hết các nhà lãnh đạo thế giới trong việc phô trương mối quan hệ an ninh kép của Hungary, nhưng ông ta không phải là quốc gia duy nhất đang thu hút sự chú ý và nguồn lực từ cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ. Việt Nam cũng vậy. Tháng Chín năm ngoái, trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đang ở Hà Nội, Hoa Kỳ và Việt Nam tuyên bố rằng họ sẽ nâng cấp mối quan hệ lên thành một "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", bao gồm sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam.

Hà Nội và Washington đã liên tục tăng cường hợp tác an ninh trong thập kỷ qua, để đối phó trực tiếp với mối đe dọa an ninh mà Trung Quốc đặt ra trong khu vực lân cận của Việt Nam. Được thúc đẩy bởi các tranh chấp của Việt Nam với Trung Quốc về các yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông, hợp tác quốc phòng Hoa Kỳ - Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực hàng hải. Việt Nam đã trở thành một cảng ghé thăm thường xuyên trong những năm gần đây cho các hàng không mẩu hạm  của Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực.

Ba tháng sau chuyến thăm Hà Nội của ông Biden, đến lượt ông Tập. Vào tháng Mười Hai, ông Tập đã đến thủ đô của Việt Nam để củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Bắc Kinh với Hà Nội. Tuy nhiên, lần này, cuộc trò chuyện tập trung vào việc củng cố chế độ cộng sản ở cả hai nước. Ông Tập tuyên bố rằng, cùng nhau, Bắc Kinh và Hà Nội sẽ  "không tiếc nỗ lực để ngăn chặn, xoa dịu và kềm chế tất cả các loại rủi ro chính trị và an ninh", không chỉ đề cập đến các mối đe dọa an ninh quốc gia mà còn đề cập đến các mối đe dọa đối với Đảng Cộng sản và lãnh đạo hai nước.

Để giải quyết những rủi ro này, Bắc Kinh cam kết hỗ trợ Hà Nội các biện pháp an ninh nội bộ thiết thực, bao gồm chia xẻ thông tin tình báo của Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc, và tăng cường hợp tác cảnh sát. Hai nước đã đồng ý những nỗ lực chung để ngăn chặn sự bất ổn trong nước, chủ nghĩa ly khai và "cách mạng màu";  một thuật ngữ gợi lên nỗi sợ hãi chung của Trung Quốc và Việt Nam về sự can thiệp của nước ngoài, và hoạt động đối lập có thể lật đổ đảng cầm quyền và mang lại dân chủ hóa. Theo một cách nào đó, hai quan hệ đối tác an ninh của Việt Nam được thiết lập để cân bằng lẫn nhau: Hà Nội tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống lại mối đe dọa an ninh bên ngoài từ Trung Quốc, và tìm kiếm sự hỗ trợ của Trung Quốc để chống lại mối đe dọa đối với an ninh chế độ, mà ít nhất họ phần nào quy cho những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy dân chủ.

Các quốc gia khác cũng nhìn thấy những mặt tích cực trong việc nhận được hỗ trợ an ninh từ hai cường quốc cạnh tranh. Ví dụ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã chớp lấy sự hỗ trợ của Trung Quốc cho các cơ quan an ninh nội bộ của nó, đôi khi phải trả giá bằng sự hỗ trợ quân sự của Mỹ. Djibouti đã đồng ý đặt căn cứ cho cả quân đội Mỹ lẫn Trung Quốc. Singapore đã định vị mình là một đối tác an ninh và là trung gian có giá trị cho Washington và Bắc Kinh. Papua New Guinea gần đây đã ký các thỏa thuận an ninh với Hoa Kỳ và Úc, nhưng vẫn đang xem xét hỗ trợ thêm từ Bắc Kinh. Các loại hỗ trợ mà mỗi quốc gia nhận được từ Trung Quốc và Hoa Kỳ khác nhau, cho phép họ lựa chọn và chọn lấy trong số các dịch vụ an ninh của các cường quốc, và sắp xếp những dịch vụ phù hợp nhất với nhận thức của họ, về các mối đe dọa mà họ phải đối mặt.

Cuộc cạnh tranh an ninh mới. 

Sự khôn ngoan thông thường là các quốc gia không muốn lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bởi vì Hoa Kỳ cung cấp an ninh, Trung Quốc cung cấp sự thịnh vượng kinh tế, và không quốc gia nào muốn từ bỏ cái này cho cái kia. Nhưng ngày nay không có sự đánh đổi rõ ràng như vậy. Trong vài năm qua, Trung Quốc đã tăng cường tiếp cận với các đối tác an ninh tiềm năng, và nhiều chính phủ nước ngoài đã chấp nhận, hoặc đang tích cực xem xét các đề nghị của Bắc Kinh, đặc biệt là về các vấn đề an ninh nội bộ. Nếu các quốc gia này đã có mối quan hệ an ninh với Hoa Kỳ, họ thường không từ bỏ những cam kết đó khi họ củng cố quan hệ với Trung Quốc. Thay vào đó, mối quan hệ an ninh của họ với Bắc Kinh và Washington đang phát triển song song, khi họ giải quyết các mối quan tâm khác nhau.

Trong Chiến tranh Lạnh, Washington và Moscow đã cung cấp hỗ trợ an ninh cả bên trong lẫn bên ngoài cho các quốc gia khách hàng của họ, và rất ít quốc gia duy trì mối quan hệ an ninh với cả hai siêu cường. Trong những năm cuối của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã cắt giảm các nỗ lực củng cố các chế độ (thường không thành công), mà trong nhiều trường hợp, là các chế độ độc tài đàn áp.  Mặc dù trong những thập kỷ kể từ đó, Washington đã không hoàn toàn rút khỏi việc cung cấp hỗ trợ an ninh nội bộ, nhưng dù sao nó cũng để lại một khoảng trống mà một Trung Quốc đang trỗi dậy, đã dần dần chuyển sang lấp đầy.

Bắc Kinh mô tả cách tiếp cận tập trung vào bên ngoài hiện nay của Washington là không đủ để giải quyết các thách thức an ninh trong nước, và phi truyền thống mà nhiều quốc gia phải đối mặt ngày nay. Nó cung cấp các giải pháp thay thế dưới biểu ngữ của Sáng kiến An ninh Toàn cầu như một cách để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Ở các quốc gia gặp rắc rối bởi quản trị yếu kém, hỗ trợ an ninh của Trung Quốc có thể giải quyết các vấn đề chính thống – cải thiện trật tự công cộng và thực thi pháp quyền, thường mang lại lợi ích cho công dân cũng như các nhà cai trị. Nhưng sự trợ giúp đó cũng có thể cho phép đàn áp và củng cố chế độ phi dân chủ. Ví dụ, các chương trình đào tạo cảnh sát của Trung Quốc, có thể dạy cho cơ quan thực thi pháp luật địa phương các chiến thuật hữu ích, nhưng chúng cũng phổ biến một quan điểm mở rộng về chính sách chính trị mà có thể bình thường hóa và khuyến khích đàn áp. Tương tự, một dự án "thành phố an toàn" của Trung Quốc, có thể góp phần kiểm soát tội phạm đô thị và an toàn công cộng nhưng cũng có thể cung cấp các công cụ để theo dõi những người bất đồng chính kiến, và khuất phục phe đối lập chính trị.

Đặc biệt, các nhà lãnh đạo độc tài có xu hướng lo sợ rằng sự hỗ trợ an ninh khu vực của Mỹ, đi kèm với những tác dụng phụ không mong muốn. Theo quan điểm của họ, quan hệ đối tác với Hoa Kỳ có thể là một đường dẫn, để thúc đẩy nhân quyền và tự do chính trị, điều này có thể làm cho sự cai trị của họ kém an toàn hơn. Các nhà lãnh đạo ở các nước như Việt Nam cố gắng bù đắp mối đe dọa đó, bằng cách quay sang Trung Quốc để được hỗ trợ về an ninh trong nước và kiểm soát chính trị. Về phần mình, Bắc Kinh đồng cảm với những lo ngại về an ninh của chế độ Hà Nội, và xử dụng sự cởi mở này để thúc đẩy hợp tác song phương. Một cách gián tiếp, hợp tác quốc phòng của Mỹ với các nước độc tài, có thể khuyến khích các nước này theo đuổi hợp tác an ninh nội bộ sâu sắc hơn với Trung Quốc, và mở ra những con đường mới cho ảnh hưởng của Trung Quốc.

Các sáng kiến hợp tác an ninh của Mỹ và Trung Quốc có thể tương tác theo những cách khác nhau làm gia tăng sự cạnh tranh giữa hai nước. Các chiến lược gia lập luận rằng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ làm cho sự cạnh tranh của họ ít xung đột hơn so với Chiến tranh Lạnh, họ đang bỏ qua sự khác biệt căn bản giữa các mối quan hệ an ninh chồng chéo ngày nay, với các khối an ninh của thế kỷ 20. Khi Washington và Bắc Kinh ngày càng cung cấp tài sản an ninh cho cùng một đối tác, lợi ích của họ có thể xung đột ở cấp địa phương.

Sự hiện diện chồng chéo này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm.  Ví dụ, các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ có thể tự tin vào mối quan hệ của họ với những người đối thoại ở Hà Nội, bởi vì các quan chức quốc phòng Việt Nam có thể thực sự ưu tiên một chiến lược an ninh khu vực, để chống lại sự xâm lấn lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng các bộ phận khác của chính phủ ở Hà Nội – chẳng hạn như ông thủ tướng, người có nền tảng về tình báo và an ninh trong nước –  đang hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh để bảo đảm sự tồn tại của chế độ cộng sản Việt Nam. Kết quả là, Washington có thể đánh giá quá cao đòn bẩy của mình: khi bị xô đẩy, các nhà lãnh đạo Việt Nam có thể không chọn đối tác giúp họ bảo vệ các hòn đảo xa xôi, thay vào đó chọn đối tác giúp họ tránh bị lật đổ hoặc bị giết chết bởi phe đối lập trong nước.

Sự pha trộn không đồng đều, không chắc chắn và có khả năng biến động giữa cạnh tranh và liên kết trong quan hệ đối tác an ninh của Mỹ và Trung Quốc, đặt ra một thách thức cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ.  Trong khi các quốc gia đang xử dụng các khái niệm, chiến thuật và công nghệ an ninh quốc gia của Trung Quốc để đàn áp nhân quyền và thắt chặt kiểm soát độc tài,  Washington không thể và không nên cạnh tranh để thúc đẩy các mục tiêu tương tự.

Khi Bắc Kinh đang giúp các nước giải quyết các vấn đề an ninh chính thống -  chẳng hạn như mức độ tội phạm bạo lực cao -  Washington nên phát triển và đưa ra các giải pháp thay thế để giải quyết những vấn đề này, mà không tạo điều kiện cho sự xói mòn dân chủ hoặc tăng cơ hội đàn áp.  Nếu các quốc gia này chọn tiếp tục nhận hỗ trợ an ninh nội bộ từ Trung Quốc, như một số nước có thể sẽ làm, Mỹ và các đối tác nên làm việc với họ để thiết lập các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như các cơ quan giám sát, để bảo vệ dân chủ và nhân quyền.

Tuy nhiên, trước tiên, Hoa Kỳ nên thực hiện đánh giá từng quốc gia để xác định các quốc gia theo từng loại. Mỗi quốc gia sẽ có một hồ sơ yêu cầu an ninh riêng và mỗi quốc gia sẽ yêu cầu một giải pháp riêng. Washington và các đối tác cần hiểu rõ hơn về cách thức, mà các điều khoản an ninh của Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của từng quốc gia, trước khi họ có thể đưa ra các giải pháp thay thế thích hợp.

Cuối cùng, Hoa Kỳ phải quyết định cạnh tranh ở đâu và cạnh tranh như thế nào;  và xây dựng quan hệ đối tác của mình theo những cách, vừa ổn định an ninh quốc tế vừa bảo vệ dân chủ và nhân quyền. Washington sẽ cần phải dễ chịu hơn nhiều trong việc điều hướng các mối quan hệ an ninh phức tạp và chồng chéo này, bởi vì hình thức cạnh tranh toàn cầu này sẽ không sớm biến mất. 

_ Về các tác giả :

_ Sheena Chestnut Greitens là Phó Giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Landpower Trung Quốc thuộc Đại học Chiến tranh Lục Quân Hoa Kỳ, Phó Giáo sư tại Đại học Texas ở Austin và là Học giả Không thường trú tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

_ Isaac Kardon là thành viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Quốc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và là Giáo sư trợ giảng tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins.

Trần H Sa lược dịch từ Foreign Affairs. ... 21/03/2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.