Ông Biden đối phó Trung Quốc bằng cách hợp tác với Nhật Bản và Philippines.

Khi các nhà lãnh đạo của hai quốc gia Nhật Bản và Philippines đến thăm Washington vào tháng Tư, họ sẽ củng cố quan hệ đối tác quân sự lỏng lẻo ở Tây Thái Bình Dương.

Tác giả  Hal Brands...28 tháng 3, 2024.... Theo Bloomberg.

Một trong những thành tựu hàng đầu của Tổng thống Joe Biden là năng lực xây dựng liên minh ở Ấn Độ  - Thái Bình Dương. Mỹ đã củng cố và gắn kết với các mối quan hệ khác nhau - song phương, ba bên, đa phương - để bảo đảm chống lại một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến. Biden dường như sẽ ghi nhận một chiến thắng khác vào tháng tới, khi ông tiếp đón các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Philippines tại Washington, để ký kết quan hệ đối tác ba bên mới.

Bây giờ ông chỉ cần một ngân sách quốc phòng tương đương với chính sách ngoại giao đầy tham vọng của mình.

Hội nghị thượng đỉnh Washington được công bố sau chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken tới Manila vào tháng 3, ở đó ông tuyên bố rằng Mỹ sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào vào lực lượng Philippines ở Biển Đông là hành động gây hấn, sẽ kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước.

Điều này không mới, nhưng nó rất quan trọng, vì các tàu Trung Quốc tiếp tục đâm và quấy rối các tàu mà Manila phái đi để duy trì vị trí của Philippines  tại Bãi Cỏ Mây đang tranh chấp (tên quốc tế là Second Thomas Shoal). Chuyến thăm của ông Blinken cũng thúc đẩy chủ đề thảo luận, kéo ba mối quan hệ chủ chốt vào một liên minh tam giác được hội nhập nhiều hơn, bao gồm mối quan hệ đang phát triển của Manila với Tokyo, cũng như các liên minh của Washington với Nhật Bản và với Philippines.

Đây sẽ không phải là một liên minh quân sự đầy đủ. Nhưng nó có thể sẽ có sự hợp tác lớn hơn về an ninh hàng hải, tập trận quân sự, chia xẻ thông tin, và các phương tiện khác để chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Nó có thể là một sự bổ sung từ Đông Nam Á cho tam giác tập trung vào Đông Bắc Á - bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc -  vốn đã phát triển mạnh mẽ trong năm qua. Và nó minh chứng cho các xu hướng quan trọng ở Washington, Tokyo và Manila.

Ông Biden đã coi việc xây dựng liên minh là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình, chủ yếu là do thiếu một liên minh an ninh duy nhất bao trùm  -  giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở châu Âu -  tiêu biểu cho lỗ hổng lớn nhất của khu vực trong việc chống lại Bắc Kinh. Ông Biden đã củng cố Bộ tứ, qua đó đoàn kết Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ; xúc tiến quan hệ đối tác quốc phòng AUKUS với Australia và Anh; thúc đẩy quan hệ ba bên Mỹ - Hàn - Nhật; và đầu tư vào các liên minh song phương của Mỹ cũng như vô số các mối quan hệ khác.

Thuật ngữ mà chính quyền xử dụng -  một "mạng lưới mắt cáo " gồm các liên minh và các quan hệ đối tác -  rất khó hiểu, nhưng chiến lược căn bản rất hấp dẫn. Ông Biden được cho là đã làm nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, để tăng cường và liên kết các mối quan hệ chiến lược, qua đó cho phép Washington khai triển sức mạnh vào khu vực quan trọng này.

Đường lối ngoại giao của Mỹ hiệp đồng tương tác với Nhật Bản. Dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida, Tokyo đã và đang xây dựng quan hệ ngoại giao và quan hệ quốc phòng với các nước, từ Hàn Quốc đến Australia.  Điều này nhằm củng cố tiền tuyến ở một khu vực của thế giới ngày càng khó chịu -  và, có lẽ, để chuẩn bị cho một tương lai mà Mỹ không còn tích cực tham gia ở đó nữa. Nhật Bản hiện đang đặt sức mạnh kinh tế và quân sự của mình vào mối quan hệ với Philippines - cùng với Đài Loan -  là một trong những nạn nhân thường xuyên nhất bởi áp lực cưỡng chế của Trung Quốc.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những điều này là một bước ngoặt ở Philippines. Dưới thời cựu Tổng thống Rodrigo Duterte, người lãnh đạo nước này từ năm 2016 đến năm 2022, Philippines đã xoa dịu Bắc Kinh với hy vọng nó ngừng mở rộng ở Biển Đông. Nhưng những lời kêu gọi đôi khi khẩn khoản của Duterte đã không thay đổi hành vi của Trung Quốc. Giờ đây, dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr.,  Philippines đang tiến gần hơn với Washington. Năm ngoái, Manila đã cho phép Mỹ tiếp cận thêm bốn cơ sở quân sự, bao gồm hai cơ sở trên đảo Luzon, hòn đảo lớn gần Đài Loan nhất.

Câu hỏi đặt ra là xu hướng này sẽ kéo dài bao lâu. Những thay đổi chính trị ở Manila có thể tạo ra những bước ngoặt mạnh mẽ trong mối quan hệ với Washington. Sự hợp tác chặt chẽ dưới thời Benigno Aquino từ năm 2010 đến năm 2016 đã nhường chỗ cho sự mâu thuẫn và thậm chí thù địch dưới thời Duterte, rồi sau đó là những cảm xúc tốt đẹp hiện nay dưới thời Marcos. Với con gái trưởng của Duterte, Sara, trong cánh gà sân khấu - cô là đối thủ của Marcos, hiện là phó tổng thống và là người kế nhiệm tiềm năng của Marcos - không rõ liệu tư thế mới của Manila báo hiệu cho một sự sắp xếp lại chiến lược lâu dài, hay chỉ đơn giản là một xu hướng khác của dư luận.

Cũng có sự không chắc chắn ở Washington. Nếu Donald Trump giành lại chức tổng thống vào tháng 11, sự thù địch với Trung Quốc có thể sẽ khiến ông không phá hủy các liên minh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ. Nhưng một tổng thống có bản năng ủng hộ chủ nghĩa đơn phương và hỗn loạn, sẽ không đặc biệt hiệu quả trong việc tập hợp bạn bè của Mỹ trong một khu vực đa dạng và quan trọng.

Tuy nhiên, bất kể ai lãnh đạo Mỹ vào năm 2025 và sau đó, vấn đề lớn nhất - giữa tất cả những tiến bộ ngoại giao này - là sức mạnh quân sự. Một nước Mỹ thực sự nghiêm túc trong việc củng cố Ấn Độ -Thái Bình Dương chống lại sự bành trướng của Trung Quốc,  sẽ kết hợp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược  với khả năng quân sự mở rộng.

Tuy nhiên, ông Biden, đáng ngạc nhiên,  một lần nữa đề xuất một ngân sách, qua đó thể hiện sự sụt giảm chi tiêu quốc phòng trên thực tế, vào thời điểm mà quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang diễn ra.

Các liên minh và quan hệ đối tác chính xác cũng tốt như sức mạnh cứng vốn duy trì chúng. Mỹ sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn từ năng lượng ngoại giao đáng khen ngợi của ông Biden, nếu không đi đôi với sự tự mãn về quân sự, qua đó có thể trao khu vực này cho Bắc Kinh.

_ Về tác giả :

_ Hal Brands là một nhà bình luận của Bloomberg Opinion, là Giáo sư xuất sắc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins, và là thành viên của Ban Chính sách Đối ngoại của Bộ Ngoại giao. Ông là cố vấn cao cấp cho Macro Advisory Partners.

_ Trần H Sa lược dịch từ Bloomberg ... 28/03/2024.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.