Mỹ đã nhận được một lời mời hiếm hoi từ Trung Quốc. Chỉ có một câu trả lời đúng.

Tác giả  W.J. Hennigan.....15 Tháng Tư, 2024. ... Theo The New York Times.

Vào giữa thế kỷ trước, khi Mỹ và Nga nhanh chóng tích lũy hàng ngàn vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đứng ngoài cuộc chạy đua vũ trang, tập trung năng lượng vào việc phát triển kinh tế và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Bắc Kinh đã chế tạo hàng trăm vũ khí hạt nhân trong những năm đó, nhưng các nhà lãnh đạo quốc gia khẳng định kho vũ khí khiêm tốn của họ chỉ đơn thuần là để tự vệ. Kể từ vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc vào năm 1964,  nước này đã lớn tiếng cam kết sẽ không bao giờ đi trước trong một cuộc xung đột hạt nhân - bất kể có chuyện gì chăng nữa. Lập trường đó, cùng với một chiến lược răn đe "tối thiểu" đã nêu, không khiến Mỹ sợ hãi, ghê tởm và chú ý,  như mối đe dọa của Nga.

Giờ đây, Washington ngày càng bất an về tham vọng hạt nhân của Trung Quốc.  Ngũ Giác đài cho biết Bắc Kinh đang trên đà tăng gấp đôi số lượng đầu đạn hạt nhân vào cuối thập kỷ này, từ 500 lên 1.000 đầu đạn hạt nhân -  một diễn biến mà các quan chức cao cấp của Mỹ đã công khai gọi là "chưa từng có" và "ngoạn mục".  Trung Quốc đã quyết liệt mở rộng cơ sở thử nghiệm hạt nhân,  và tiếp tục hoạt động trên ba lĩnh vực mới về tên lửa ở phía bắc của đất nước,  nơi mà gần đây đã được xây dựng hơn 300 hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Sự chuyển đổi của Trung Quốc từ một cường quốc hạt nhân nhỏ thành một cường quốc hạt nhân lớn hơn theo cấp số nhân là một sự thay đổi mang tầm lịch sử, làm đảo lộn sự cân bằng mong manh, ngang nhau về vũ khí hạt nhân của thế giới trong toàn bộ thời đại nguyên tử.  Các kho vũ khí của Nga và Mỹ - gia tăng, cắt giảm và kềm chế -  đã xác định kỷ nguyên này; việc duy trì một nền hòa bình bứt rứt giữa hai nước phụ thuộc vào các kênh liên lạc mở, thỏa thuận về các quy tắc hạt nhân và ngoại giao.

Rất ít giàn vũ khí hạt nhân đó tồn tại với Trung Quốc. Ở Washington, làm thế nào để giải thích chính xác sự tích lũy hạt nhân mạnh mẽ của Bắc Kinh vẫn còn là một vấn đề tranh luận quan trọng. Tốt nhất là, các quan chức Mỹ cho biết các đối tác Trung Quốc của họ đang cố gắng bắt kịp Mỹ và Nga, mà với kho dự trữ của mỗi nước vẫn có lợi thế hạt nhân 10-1 so với Trung Quốc. Tồi tệ nhất, họ nói, đây là nỗ lực táo bạo của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan chống lại một cuộc xâm lược của Trung Quốc,  một điểm nóng có khả năng nhất cho một cuộc xung đột vũ trang giữa hai siêu cường cạnh tranh.

Trên thực tế, không ai biết Trung Quốc đang lên kế hoạch gì. Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng như phần lớn chính sách đối nội của nó, công bố rất ít thông tin về ý định, chiến lược hoặc mục tiêu hạt nhân, và họ cũng không sẵn sàng tham gia vào việc kiểm soát vũ khí.

Thế rồi, đến lúc này.

Vào tháng Hai, trong một đề nghị hiếm hoi về ngoại giao hạt nhân, Trung Quốc đã công khai mời Hoa Kỳ và các cường quốc hạt nhân khác,  đàm phán một hiệp ước mà trong đó tất cả các bên sẽ cam kết không bao giờ xử dụng vũ khí hạt nhân trước để chống lại nhau. Sun Xiaobo, Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại Geneva hôm 26/2 "Chính sách này rất ổn định, nhất quán và có thể dự đoán được. Bản thân nó là một đóng góp quan trọng cho tiến trình giải trừ quân bị tầm quốc tế".

Lời mời gửi đến như một bất ngờ. Trong khi Bắc Kinh từ lâu đã tuyên bố họ có ưu thế đạo đức so với các cường quốc hạt nhân khác về vấn đề này - Trung Quốc và Ấn Độ là những quốc gia duy nhất có vũ khí hạt nhân tuyên bố chính sách không xử dụng trước - mở ra khả năng đàm phán theo cách công khai như vậy là điều mà Trung Quốc đã không làm trong nhiều năm.

Có vẻ như không cần động não suy nghĩ để chấp nhận lời đề nghị của Trung Quốc - sẽ không tốt hơn nếu mọi người đồng ý không phải là người trước tiên xử dụng vũ khí hạt nhân?  nhưng nó đã vấp phải sự im lặng công khai từ Washington. Đối với các nhà hoạch định chính sách Mỹ,  cam kết không xử dụng trước là việc gây chia rẽ sâu sắc. Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất từng xử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột, khi thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào năm 1945, chưa bao giờ loại trừ khả năng là nước đầu tiên xử dụng chúng một lần nữa, cũng như không nêu chi tiết các trường hợp mà họ sẽ xem xét làm như vậy. Cách tiếp cận mơ hồ có tính toán này nhằm ngăn chặn các đối thủ thực hiện hành động quân sự chống lại Hoa Kỳ - và hơn 30 đồng minh được ràng buộc bởi các hiệp ước bảo vệ -  vì sợ những gì có thể xảy ra theo cách mà các đối thủ của họ đáp trả.

Đây cũng là vấn đề cá nhân đối với Tổng thống Biden. Ông ủng hộ chính sách không xử dụng trước với tư cách là phó tổng thống giữa bối cảnh thảo luận bên trong chính quyền Obama, và với tư cách là một ứng cử viên tổng thống trong chiến dịch tranh cử, ông nói rằng "mục đích duy nhất" của kho vũ khí hạt nhân của Mỹ là nên nhằm mục đích ngăn chặn hoặc trả đũa chống lại một cuộc tấn công hạt nhân của kẻ thù. Nhưng khi đến lúc chính quyền của ông phải thông qua tuyên bố chính sách hạt nhân , ông quyết định không phá vỡ giáo điều hạt nhân lâu đời của Mỹ, và giữ lại lựa chọn xử dụng đầu tiên.

Sự thay đổi hẳn thái độ của ông Biden là dấu hiệu của thời đại, kết quả của cả các cuộc thảo luận nội bộ lẫn tham vấn với các đồng minh ở châu Âu và châu Á. Theo các quan chức chính quyền hiện tại và trước đây, các nhà lãnh đạo của các quốc gia này lo ngại sự đảo ngược chính sách của Mỹ sẽ làm suy yếu niềm tin vào cam kết bảo vệ họ  của Mỹ,  và có khả năng sẽ khuyến khích Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên.

Sự bất an chung quanh một sự thay đổi tiềm năng đối với chính sách xử dụng trước của Mỹ,  gần như chắc chắn đã đóng một vai trò trong lời mời đàm phán công khai bất thường của Trung Quốc.  Trung Quốc có thể chỉ đơn giản là đang cố gắng gây lo lắng cho các đồng minh và đối tác của Mỹ - và đặc biệt là Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản - bằng cách đưa ra một đề nghị công khai ở bên ngoài các kênh ngoại giao riêng tư .

Đây không phải là lần đầu tiên nó đi theo con đường này. Trong Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc đã đưa ra đề nghị về một cam kết không xử dụng trước tại Liên Hiệp Quốc vào năm 1971 và 1982, và trình bày một dự thảo hiệp ước vào năm 1994 cho các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác. Bốn năm sau, Trung Quốc đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Bill Clinton thay đổi chính sách hạt nhân của Mỹ khi ông đến thăm Bắc Kinh, nhưng ông Clinton đã quyết định chống lại nó, thay vào đó chọn chia xẻ cam kết ngừng nhắm mục tiêu vào nhau bằng vũ khí hạt nhân.

Những đề nghị như vậy đã dừng lại hết thảy dưới sự lãnh đạo của ông Tập, kẻ đã theo đuổi một chính sách đối ngoại hung hăng hơn nhiều. Ông ta đã giám sát việc hiện đại hóa sâu rộng quân đội Trung Quốc, bao gồm phát triển và khai triển các tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom có khả năng hạt nhân mới. Trong khi đó, kho dự trữ đầu đạn hạt nhân tăng đều đặn.

Tòa Bạch ốc tin rằng đề nghị gần đây của Trung Quốc là một trò làm lãng đi sự không sẵn sàng rộng lớn hơn của họ trong việc tham gia chính sách ngoại giao về danh mục hạt nhân, bao gồm cả việc tích lũy hạt nhân năng nổ của chính họ. Chính quyền Biden đang vật lộn với cách làm sao có thể răn đe cả Trung Quốc lẫn Nga mà không gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ba bên gây bất ổn. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, vào mùa hè năm ngoái đã công khai mời hai quốc gia kia tổ chức các cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí hạt nhân mà không cần điều kiện tiên quyết. Nga đã hoàn toàn bác bỏ đề nghị này, trong khi Trung Quốc đồng ý đàm phán sơ bộ. Tại một cuộc họp tiếp theo vào tháng 11, Mỹ đã đề xuất các biện pháp khả thi để quản lý rủi ro hạt nhân, chẳng hạn như thỏa thuận thông báo cho nhau khi quân đội hai nước phóng thử tên lửa đạn đạo.

Một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, xử dụng tên viết tắt từ tên chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho biết trong một văn bản trả lời các câu hỏi về đề nghị gần đây của Bắc Kinh: "Trung Cọng vẫn chưa trả lời hoặc thể hiện sự quan tâm đến việc tham gia một cách thực chất vào các đề xuất này. Hành vi này của Trung Cọng đặt ra câu hỏi về các mục tiêu đằng sau lời kêu gọi của Trung Cọng về các cuộc thảo luận cho một hiệp ước không xử dụng trước."

Một số ý kiến cho rằng chính quyền Biden nên tin vào biểu hiện bề ngoài ở đề nghị của Bắc Kinh. Tong Zhao, một chuyên gia hạt nhân tập trung vào Trung Quốc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết "Trung Quốc thực sự tin rằng bất kỳ cuộc thảo luận kiểm soát vũ khí hạt nhân nghiêm túc nào cũng cần phải bắt đầu với việc không xử dụng trước. Theo quan điểm của Bắc Kinh, đó là cách hiệu quả nhất để giảm vai trò của vũ khí hạt nhân".

Ngay cả khi,  đó là một canh bạc chiến lược, việc tham gia với Trung Quốc và các quốc gia hạt nhân khác trong các cuộc đàm phán xử dụng trước có thể là một bước  quan trọng trong việc thiết lập các rào chắn an toàn nghiêm trọng cho kỷ nguyên hạt nhân mới. Đây sẽ là một bước đột phá quan trọng đối với Washington để đưa Trung Quốc đến bàn đàm phán kiểm soát vũ khí. Nó cũng có thể giúp làm bật nẩy mối quan hệ bị đình trệ giữa Mỹ và Nga, hai nước này cùng kiểm soát gần 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới.

Steve Andreasen, người từng là giám đốc chính sách quốc phòng và kiểm soát vũ khí của ông Clinton trong Hội đồng An ninh Quốc gia, nói "Chính quyền Mỹ đã không phản ứng với sự sốt sắng hay quan tâm nhiều lắm đến sự tiếp cận của Trung Quốc về vấn đề không xử dụng trước. Nhưng khi chúng ta háo hức... lợi ích quốc gia ngày càng tăng của Mỹ trong việc lôi kéo Trung Quốc vào mọi thứ về hạt nhân, chúng ta sẽ phải không thể lùi bước về vấn đề này".

Rất đúng rằng, đây không phải là thời điểm dễ dàng cho các bài tập xây dựng lòng tin; mức độ ngờ vực hiện nay giữa ý định quân sự của Trung Quốc và Mỹ là rất sâu sắc. Phát biểu trước Quốc hội vào tháng Ba, Tướng Anthony Cotton, chỉ huy mọi lực lượng hạt nhân của Mỹ, cho rằng việc mở rộng hạt nhân nhanh chóng của Trung Quốc cho thấy chính sách không xử dụng trước của họ không còn đáng tin cậy nữa. Ngũ Giác đài đã viết trong một báo cáo vào tháng 10 rằng, bất chấp những luận điệu của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể cân nhắc xử dụng vũ khí hạt nhân trước, trong một cuộc khủng hoảng nếu điều đó liên quan đến sự tồn tại của chế độ ông Tập, chẳng hạn như thất bại trong cuộc chiến với Đài Loan.  Hiện vẫn chưa rõ một cách chính xác Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào nếu lực lượng hạt nhân của họ bị tấn công trong một cuộc xung đột. Liệu điều đó có kích hoạt việc xử dụng hạt nhân của Bắc Kinh? "Không xác định được", Ngũ Giác đài  cho biết trong báo cáo.

Đàm phán thông qua những điểm gây tranh cãi này có thể giúp Bắc Kinh và Washington hiểu và đánh giá cao các yếu tố hình thành các điểm tốt hơn trong chính sách hạt nhân của nhau. Chính quá trình đối thoại và ngoại giao có thể giúp Trung Quốc lắng nghe những lo ngại của Mỹ và ngược lại. Với hố sâu sợ hãi và nghi ngờ ngày càng mở rộng giữa hai quốc gia chung quanh Đài Loan, không có thời điểm nào tốt hơn để họ ngồi xuống và thảo luận về những gì tạo nên một cam kết đáng tin cậy rằng không xử dụng hạt nhân trước.

Rõ ràng, có lẽ là một cam kết không xử dụng trước cuối cùng là không thể. Các cuộc đàm phán có thể không dẫn đến một thỏa thuận mà bất cứ ai cũng có thể đồng ý, và ngay cả khi đạt được thỏa thuận, nó sẽ không thể được xác minh, có nghĩa là nó sẽ mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Nhưng điều đó không có nghĩa là Washington không nên chấp nhận lời mời của Bắc Kinh. Trong thế giới ngoại giao hạt nhân ngày càng bị đe dọa, các cuộc thảo luận về một hiệp ước vẫn có thể chuẩn bị cho một hiệp ước khác. New START, thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga, đã được xây dựng trên nền tảng của thỏa thuận ban đầu START I , một thỏa thuận được ký kết hai thập kỷ trước đó.

Dưới thời ông Tập, Trung Quốc dường như đã bỏ lại phía sau chính sách răn đe tối thiểu. Nếu chính quyền Biden nghiêm túc về kiểm soát vũ khí, đã đến lúc tìm kiếm điểm chung với Bắc Kinh để xây dựng các thỏa thuận mới cho một tương lai an toàn hơn.

_ Ông Hennigan viết về các vấn đề an ninh quốc gia cho Times Opinion.

_ Trần H Sa lược dịch từ The New York Times. .... 16/ 4/ 2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.