Độ tin cậy của Washington với tư cách là một đối tác chiến lược vẫn còn là một dấu hỏi.

Tác giả Alexander Clarkson....Ngày 24 Tháng Tư, 2024...World Politic Review.

Các nhà lập pháp Mỹ hôm 20/4 đã cảm thấy nhẹ nhõm sau nhiều tháng tê liệt, gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD để giúp Ukraine trong cuộc chiến sống còn chống lại Nga, cuối cùng đã được Quốc hội thông qua. Thượng viện đã thông qua dự luật vào ngày 23/4 và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhanh chóng ký thành luật.

Kể từ tháng 10, những nỗ lực lặp đi lặp lại của các dân biểu đảng Cộng hòa theo chủ nghĩa biệt lập và những thượng nghị sĩ liên kết với cựu Tổng thống Donald Trump nhằm phá hoại viện trợ cho Ukraine, đã trở thành biểu tượng cho sự rối loạn chức năng chính trị của Mỹ. Nhưng ngay cả khi các quan chức Mỹ hiện đang nhanh chóng chuyển sang hỗ trợ quân sự cho Ukraine đã bị trì hoãn từ lâu, các câu hỏi vẫn còn tồn đọng về khả năng của Washington trong việc hành động như một đối tác đáng tin cậy đối với bạn bè, và là một đối thủ kiên quyết đối với kẻ thù  của mình.

Tùy thuộc vào kết quả bầu cử trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 11 này, một số thay đổi quan trọng theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến khả năng tuân thủ các cam kết chiến lược của Washington. Bất kể Biden hay Trump là người chiến thắng, nổi lên từ những gì mà họ hứa hẹn trong một chiến dịch phân cực tàn bạo, có khả năng bối cảnh chính trị Mỹ sẽ ở trong tình trạng thay đổi liên tục, qua đó sẽ tạo ra những thách thức ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho các đồng minh và các đối tác vốn đang vật lộn để quản lý mối quan hệ với Washington. Trong khi tác động của các cuộc xung đột hiện tại và tương lai, có thể ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách ở Washington theo những cách khó dự đoán, một số xu hướng mới nổi đã được nhìn thấy, khi nói đến sự tương tác giữa chính trị trong nước và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Ít nhất là trong ngắn hạn, khả năng cung cấp viện trợ cho Ukraine của chính quyền Biden, một lần nữa cho thấy Washington đã lấy lại năng lực hành động có hiệu quả, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử vào tháng 11.  Việc các nhà lập pháp cánh hữu theo chủ nghĩa biệt lập như Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville từ bỏ nỗ lực ngăn chặn các quy trình bổ nhiệm và phân bổ tài trợ,  mà chính quyền Biden cần theo đuổi cho một chiến lược mạch lạc, cũng đã làm giảm mức độ mà đảng Cộng hòa MAGA có thể chủ động làm suy yếu chính sách đối ngoại của Mỹ.  Tuy nhiên, sự phân cực ngày càng sâu sắc trong bối cảnh chính trị rạn nứt vào những tháng kể từ bây giờ đến ngày bầu cử,  sẽ làm dấy lên sự không chắc chắn hơn nữa về mức độ dễ bị từ bỏ nhanh chóng các cam kết chiến lược lâu dài,  từng được cả hai đảng ở Mỹ duy trì hiện nay.

Cuộc chiến tại Quốc hội về viện trợ cho Ukraine đã tạo ra những tín hiệu khó hiểu về mức độ mà sự đồng thuận trong chính sách đối ngoại của lưỡng đảng ở Washington, có thể tồn tại nổi hay không, trước sự tấn công mang tính ý thức hệ từ chủ nghĩa biệt lập MAGA của Trump, hoặc cưỡng lại được những yêu cầu nhẹ nhàng hơn về việc cắt giảm, một phần bởi cái gọi là "những người kềm chế" trong cánh tả của Đảng Dân chủ. Việc gần như tất cả các nhà lập pháp Dân chủ, cùng với 101 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện và 22 thành viên Cộng hòa tại Thượng viện, đã bỏ phiếu cho dự luật viện trợ Ukraine; cho thấy cơ sở cho sự phối hợp giữa các đảng vẫn còn tồn tại khi họ xác định lợi ích an ninh của Mỹ. Tuy nhiên, sự sẵn sàng của 117 nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Hạ viện và 29 người ở Thượng viện phản đối viện trợ sẽ được các đồng minh của Washington coi là một dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy chủ nghĩa biệt lập dân túy của Trump đã trở nên cực đoan như thế nào trong phần lớn cơ sở chính trị của Hoa Kỳ.

Sự không chắc chắn liên tục về độ tin cậy lâu dài của Washington với tư cách là một đối tác, có thể được khôi phục đến mức nào có nghĩa là cú sốc địa chính trị do bế tắc của Quốc hội đối với gói viện trợ Ukraine sẽ kéo dài, mặc dù tình trạng bế tắc hiện đã kết thúc. Trong khi Liên minh châu Âu và Anh sẽ tiếp tục tăng cường các nỗ lực nhằm đạt được sự tự lực chiến lược để phòng ngừa chiến thắng của Trump, thì các quốc gia lo ngại về tham vọng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, như Nhật Bản và Đài Loan, sẽ cân bằng sự gia tăng chi tiêu quốc phòng của chính họ với nỗ lực ve vãn đảng Cộng hòa thù địch với Bắc Kinh. Đối với các đối thủ của Mỹ, nếu kết quả bầu cử vào tháng 11 làm tê liệt khả năng khai triển sức mạnh của Washington, sẽ làm dấy lên dự đoán rằng uy tín của Mỹ có thể bị suy yếu một cách lâu dài khi Mỹ theo đuổi leo thang các hành động quân sự hoặc các hành động bí mật.

Tuy nhiên, sẽ là vô cùng tự mãn khi cho rằng chiến thắng của ông Biden và Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2024 có thể đột ngột giải quyết các yếu tố thuộc về cấu trúc,  đang làm suy yếu khả năng duy trì nhân tố địa chính trị đáng tin cậy của Washington. Một kết quả sít sao gợi ra những cáo buộc gian lận từ Trump có thể dẫn đến bất ổn chính trị và thậm chí bạo lực hoàn toàn, qua đó sẽ làm suy yếu khả năng Washington đóng một vai trò chủ động trên toàn cầu trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Ngay cả một kết quả dễ chịu hơn, vô hiệu hóa những nỗ lực của Trump nhằm tạo ra sự hỗn loạn, vẫn sẽ dẫn đến sự hiện diện của hàng chục thượng nghị sĩ và hơn 150 dân biểu ở Hạ viện liên kết với cánh MAGA của Đảng Cộng hòa, sẵn sàng phá hoại các quy trình quản trị căn bản.

Nếu việc những người theo chủ nghĩa biệt lập MAGA tiếp quản hoàn toàn Đảng Cộng hòa được củng cố, thì chiến thắng của Biden sẽ chỉ mang lại một vài năm ổn định cho chính sách đối ngoại của Mỹ trong trung hạn, mà không giải quyết được các rủi ro địa chính trị cực đoan hơn. Các kịch bản mà trong đó Trump, Thượng nghị sĩ J.D. Vance hoặc những người theo chủ nghĩa biệt lập nhiệt thành khác, xa lánh các nhà lập pháp Cộng hòa còn lại vốn đã cam kết với NATO, sẽ khiến cho sự sống còn của các trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ, phụ thuộc vào kết quả của mọi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội. Một môi trường chính trị trong nước ở Mỹ, mà trong đó chính sách thương mại và đối ngoại thay đổi dữ dội từ chủ nghĩa biệt lập sang cam kết hạn chế, đến chủ nghĩa can thiệp hoàn toàn và quay ngược trở lại, sẽ dẫn đến việc uy tín của Washington bị suy giảm nhanh chóng.

Danh tiếng về độ tin cậy chỉ có thể được khôi phục qua dài hạn bằng cách xây dựng lại sự đồng thuận rộng rãi của lưỡng đảng về các tiêu chí căn bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tái lập một khuôn khổ khái niệm chung để xác định lợi ích chiến lược, giúp đỡ các đồng minh và răn đe các đối thủ sau nhiều thập kỷ bị phân cực chính trị, chắc chắn sẽ là một quá trình đầy đau khổ. Một thất bại của chính quyền Biden trong nhiệm kỳ thứ hai để tái lập danh tiếng như vậy sẽ bảo đảm rằng thiệt hại đối với danh tiếng của Hoa Kỳ, gây ra bởi sự trỗi dậy của Trump không còn có thể sửa chữa được nữa.

Một quá trình xây dựng sự đồng thuận lâu dài như vậy có thể thu hút sự ủng hộ từ cả hai đảng chính, cũng như cử tri, cũng sẽ là điều kiện tiên quyết thiết yếu, để giải quyết các vấn đề rắc rối mang tính cấu trúc căn bản, có khả năng làm giảm thẩm quyền khai triển sức mạnh của Washington trên quy mô toàn cầu. Nỗ lực to lớn để trang bị lại nền kinh tế Mỹ đối với quá trình chuyển đổi thân thiện với môi trường địa chính trị ngày càng tăng, sẽ cần phải được duy trì với sự hỗ trợ của cả hai đảng qua nhiều chu kỳ bầu cử, để có được bất kỳ tác động lâu dài nào. Hơn nữa, tình trạng suy yếu của Hải quân Hoa Kỳ vào thời điểm mà các kế hoạch mở rộng hải quân của Bắc Kinh đang buộc Mỹ phải tập trung trở lại ở Ấn Độ -Thái Bình Dương, sẽ đòi hỏi sự phối hợp liên tục giữa các nhà lãnh đạo của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về các quyết định đầu tư khó khăn khi nói đến ngân sách quốc phòng trong tương lai.

Một nỗ lực rộng lớn hơn như vậy để khôi phục sự đồng thuận lưỡng đảng về chính sách quốc phòng và chính sách đối ngoại bên trong hệ thống chính trị Mỹ, chắc chắn sẽ dẫn đến việc đàm phán lại một số tiêu chí theo những đường lối mà sẽ thay đổi cách Washington tiếp cận với các đồng minh cũng như các đối thủ. Việc xoa dịu sự thất vọng về mức độ cam kết của Mỹ ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi giữa các bộ phận của đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ bị lôi kéo vào chủ nghĩa biệt lập hoặc chủ trương kềm chế trong đối ngoại, có thể dẫn đến việc giảm dấu ấn quân sự của Washington ở bên ngoài Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong một môi trường mà cái giá của sự cam kết liên tục của Washington đối với NATO và các đồng minh khác, về lý thuyết, có nghĩa là vai trò quân sự toàn cầu của Mỹ sẽ ít hơn trên thực tế, EU và Anh sẽ phải duy trì sự tập trung của họ vào tự lực chiến lược trong một khoảng thời gian dài hạn ở tương lai.

Mặc dù các cam kết với Israel có khả năng sống sót sau những tranh cãi hiện tại về cuộc chiến ở Gaza, sự thất vọng với các động lực địa chính trị ở Trung Đông vào thời điểm Mỹ không còn nhập khẩu nhiều dầu từ vùng Vịnh, khiến sự xói mòn lợi ích của Mỹ trong khu vực trở thành một sản phẩm phụ tiềm năng khác, cho  sự đồng thuận về chính sách đối ngoại của lưỡng đảng sẽ được đàm phán lại. Sự rút lui dần dần của Mỹ sẽ buộc các cường quốc láng giềng như EU và Ấn Độ đóng vai trò tích cực hơn trong việc tìm kiếm một trạng thái cân bằng địa chính trị mới ở Trung Đông, vào thời điểm mà các nhân tố khác nhau ở địa phương (Iran, Arab Saudi, Israel, v..v... ) đang đa dạng hóa danh mục vốn đầu tư của họ khi nói đến các đối tác quốc tế, bao gồm cả Trung Quốc và Nga.

Các cuộc tranh luận ác liệt về người di cư và kiểm soát biên giới được thúc đẩy bởi chủ nghĩa dân túy MAGA của Trump, đã đan xen các tranh chấp về chính sách đối ngoại với những lo lắng trong nước, điều này sẽ khiến việc xây dựng lại sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington về quan hệ với các quốc gia ở Mỹ Latinh và Caribe đặc biệt khó khăn. Trong ngắn hạn, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa ôn hòa có thể làm chệch hướng yêu cầu của MAGA về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và các cuộc đột kích của lực lượng đặc nhiệm Mỹ chống lại các băng đảng ma túy trên đất Mexico. Nhưng mức độ mà những yêu cầu hành động triệt để như vậy hấp dẫn các bộ phận quan trọng của cử tri Hoa Kỳ, điều này sẽ ảnh hưởng đến các tiêu chí của bất kỳ sự đồng thuận chính sách đối ngoại nào đã được tái lập. Mặc dù đó là một kịch bản "thiên nga đen" (khó lường và không thể được dự đoán trước được, gây ra các hậu quả nghiêm trọng) ít có khả năng xảy ra hơn, một môi trường mà trong đó cả đảng Dân chủ và Cộng hòa cuối cùng cạnh tranh xem ai có thể cứng rắn hơn với các quốc gia láng giềng ở Mỹ Latinh và Caribe, có thể gây phản tác dụng một cách tồi tệ, bằng cách làm suy yếu sự ổn định ở Tây bán cầu vốn cho phép Mỹ khai triển sức mạnh trên quy mô rộng hơn.

Nếu không có nỗ lực phối hợp để xây dựng lại sự đồng thuận chính sách đối ngoại của lưỡng đảng như vậy, thí điểm thành công ở dự luật viện trợ Ukraine vừa được Quốc hội thông qua vào tuần trước, sẽ dịch chuyển theo hướng đi xuống như một thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi, trong bối cảnh cấu trúc rộng lớn hơn của sự suy giảm của Mỹ với tư cách là một cường quốc toàn cầu. Ngay cả chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 cũng sẽ chỉ dẫn đến một trạng thái cân bằng tạm thời nếu đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không đàm phán lại một khuôn khổ chung,  nhằm bảo đảm tính liên tục lâu dài trong việc theo đuổi các mục tiêu chiến lược. Tất cả những gì mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu có thể làm là hy vọng các đối tác Mỹ của họ tận dụng các cơ hội để xây dựng lại sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington, và bảo đảm rằng EU có thể tự bảo vệ cho riêng mình nếu những cơ hội đó bị lãng phí.


_ Tác giả Alexander Clarkson là giảng viên nghiên cứu châu Âu tại King's College London. Nghiên cứu của ông khám phá tác động của các cộng đồng người di cư xuyên quốc gia đối với chính trị của Đức và châu Âu sau năm 1945, cũng như việc quân sự hóa hệ thống biên giới của Liên minh châu Âu đã ảnh hưởng đến mối quan hệ với các quốc gia láng giềng như thế nào. 

_ Trần HSa lược dịch từ World Politic Review.... 29 / 04/ 2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.