Thực tế đang dần hạ bệ chủ nghĩa Putin.

Những nỗ lực chiến tranh của Nga và cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo ở Moscow, đã làm gián đoạn câu chuyện chính thức của Điện Kremlin.

Tác giả Lawrence Freedman. ....Ngày 5 tháng 4 /2024...Theo The New Statesman.

Một tuyển tập mới gồm các bài tiểu luận có tên Chiến tranh Ukraine,  do Hal Brands biên tập và được xuất bản bởi nhà xuất bản Đại học Johns Hopkins, đánh dấu kỷ niệm hai năm Nga xâm lược toàn diện Ukraine. Nó bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc chiến,  từ nguồn gốc đến hành vi,  đến tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế và vai trò của Trung Quốc. Đây là một nguồn thông tin xuất sắc, với các chương tuyệt vời, và có thể được tải xuống miễn phí.

Đóng góp của riêng tôi cho tuyển tập đó, coi Vladimir Putin là một "kẻ cuồng tín chiến lược", phản ánh sự gắn bó dai dẳng của y với Ukraine, và khi phải đối mặt với những hậu quả thảm khốc của mỗi quyết định, xu hướng hành động của y luôn tăng gấp đôi với hy vọng rằng,  các biện pháp cực đoan hơn nữa sẽ mang lại cho y kết quả mà y tìm kiếm. Điều này không đơn thuần chỉ cho thấy Putin là một chiến lược gia tồi. Chắc chắn có những yếu tố đi kèm với điều này -  chẳng hạn như đánh giá thấp kẻ thù, quá phụ thuộc vào linh cảm về cách người khác sẽ hành động,  và không suy nghĩ về những tác động có thể xảy ra của một quá trình hành động. Sự cuồng tín vượt xa những điều này. Trích dẫn từ chính bài viết của tôi:

"Đó là một sự từ chối chấp nhận rằng, những vấn đề rắc rối như đã được đóng khung không thể giải quyết được, một mô hình sai lầm bắt nguồn từ nỗi ám ảnh,  và sẵn sàng trượt dài một cách kỳ lạ để thỏa mãn nỗi ám ảnh đó, ngay cả khi sự hài lòng vẫn còn khó thấy được.  Từ điển định nghĩa một kẻ cuồng tín là một người có niềm tin cực đoan khiến họ cư xử theo những cách không hợp lý. Sự gắn bó của Putin với Ukraine, gần như ngay khi y bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ hai vào năm 2012, đã dẫn đến những sai lầm tai hại trong phán đoán chiến lược.

Có thể theo dõi sự phát triển của chính sách Ukraine của Putin,  từ thời điểm y lên nắm quyền vào đầu thế kỷ,  thông qua Cách mạng Cam của Ukraine năm 2004 - 2005, và sau đó là bước ngoặt mạnh mẽ hơn,  khi y trở lại làm tổng thống Nga vào năm 2012. Putin  đã kiên định. Y muốn Ukraine vững chắc trong phạm vi ảnh hưởng của Nga với một chính phủ Ukraine ngu ngốc. Lập trường dự phòng của y, một khi điều đó dường như ngoài tầm với, là khuyến khích sự phân rả của Ukraine,  với những mảnh đất liền kề được Liên bang Nga thủ đắc.  Mục tiêu thứ hai này mâu thuẫn với mục tiêu thứ nhất,  vì nó khuyến khích Ukraine quay sang phương Tây nhiều hơn nữa, để được hỗ trợ và bảo đảm an ninh.

Người ta có thể quay trở lại lịch sử để khám phá nguồn gốc của cuộc xung đột,  như Putin thường làm,  nhưng một điểm khởi đầu tốt để hiểu làm thế nào mà chúng ta đến được nơi chúng ta đang có, là mùa hè năm 2013.  Đây là thời điểm  Putin quyết định siết chặt kinh tế Ukraine, để ngăn chặn chính phủ nước này ký thỏa thuận liên kết với EU, phản ảnh quyết tâm của y trong việc ngăn Ukraine rơi vào phạm vi ảnh hưởng của phương Tây.  Tư cách thành viên NATO không được bàn thảo vào thời điểm này.  Trên thực tế, Tổng thống Ukraine khi đó, Viktor Yanukovych, cũng thân Nga như Putin từng muốn.  Tuy nhiên, hành động đơn độc duy nhất này đã dẫn đến việc Putin hoàn toàn bị phá sản bởi sự ép buộc trắng trợn của y. Với nền kinh tế trong tình trạng tuyệt vọng, Yanukovych đã rời khỏi thỏa thuận EU.  Phản ứng chống lại rất dữ dội, với các cuộc biểu tình lớn ở Kyiv và các nơi khác. Yanukovych cuối cùng đã chạy trốn khỏi Kyiv và một chính phủ thân phương Tây đã tiếp quản.

Điều này dẫn đến điều khác. Phản ứng của Putin vào tháng 3/2014 là chiếm Crimea và khuyến khích các cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine,  ưu tiên chia cắt Ukraine. Sau đó, thông qua các thỏa thuận Minsk, y đã tìm cách xử dụng các khu vực với phiến quân do Nga tài trợ như ở khu vực Donbas, làm đòn bẩy để gây ảnh hưởng đến chính phủ Ukraine,  và ngăn chặn họ có lập trường "chống Nga".  Khi nỗ lực đó thất bại, vào tháng 2/2022, y quyết định xâm lược Ukraine và thiết lập một chính phủ bù nhìn ở Kyiv. Và khi điều đó cũng thất bại, y đã trở lại ưu tiên chia cắt,  đến mức bây giờ y từ chối chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà từ chối việc y chiếm giữ bốn tỉnh của Ukraine, mà hiện nay y đang cố gắng chiếm đóng, ngoài Crimea. Vì điều này vẫn sẽ khiến 80% đất nước Ukraine không bị chiếm đóng sẽ thù địch sâu sắc với Nga, mục tiêu chính là cần thiết phải quay lại hiện trạng trước mắt. Hy vọng đã hồi sinh ở Moscow rằng, Ukraine có thể bị suy yếu do mất sự hỗ trợ của Mỹ, khiến Putin có thể quay trở lại kế hoạch ban đầu và chiếm đóng các thành phố lớn, bao gồm cả Kyiv.

Như tôi đã lập luận nhiều lần,  Nga không có khả năng đạt được các mục tiêu của nó và do đó,  việc nó giành chiến thắng không giống như một chiến thắng của Ukraine. Ukraine đã phải chịu đựng rất nhiều và tiếp tục chịu đựng  như vậy. Một lệnh ngừng bắn dựa trên các đường dây liên lạc hiện nay sẽ được Kyiv coi là một thất bại, vì nó sẽ khiến lãnh thổ có chủ quyền bị chiếm đóng, với những người bị mắc kẹt ở bên trong phải chịu các biện pháp khắc nghiệt và bị "Nga hóa".  Nhưng sẽ khó có thể là một chiến thắng cho Nga, vốn  chỉ còn lại với lãnh thổ đổ nát, dân cư thưa thớt, đầy bom mìn chưa nổ, cùng những đòi hỏi khắt khe đối với tình hình an ninh nội bộ,  một biên giới dài cần bảo vệ,  và một chính phủ thù địch ở Kyiv đang nỗ lực gia nhập EU và NATO.  Vì điều này, Nga đã hy sinh hàng ngàn người -  chết, bị thương và lưu vong ở nước ngoài.  Hoạt động kinh tế và sản xuất công nghiệp hiện đang hướng đến nỗ lực chiến tranh, với rất ít ngành nghề còn lại dành cho các tiện nghi công cộng hoặc đầu tư sản xuất. Nga đã mất thị trường năng lượng ở châu Âu, trở thành đối tác cấp dưới của Trung Quốc, phụ thuộc vào Iran và Triều Tiên về vũ khí.

Nỗi ám ảnh đã dẫn Putin rơi vào con đường cam kết hoàn toàn với chiến tranh. Y đã từ bỏ giả vờ rằng, đây là một "chiến dịch quân sự đặc biệt" có hạn chế. Các phần thưởng đã tiếp tục được nâng lên. Hậu quả của một thỏa thuận liên kết với EU, so với mọi thứ đã xảy ra kể từ đó, chắc chắn sẽ là không đáng kể. Một khi một tổng thống thân Nga, kẻ đã loại trừ tư cách thành viên NATO của Ukraine và hứa sẽ bảo vệ tiếng Nga, đã biến mất,  thì mọi thứ sau đó chắc chắn sẽ trở nên thù địch hơn. Putin đã đi xa hơn, dựng cho chính phủ mới của Ukraine thành một cái gì đó thực sự đe dọa -  là những kẻ tân phát xít và là những người thừa kế  những căng thẳng tồi tệ nhất của chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Điều này đã được xử dụng để biện minh cho các cuộc sáp nhập, xâm nhập,  các cuộc tấn công mạng và những áp lực kinh tế vào  năm 2014 và 2015.

Bởi vì sự thách thức của Kyiv là không thể chấp nhận được đối với Putin, y đã cố gắng dập tắt nó bằng một cuộc xâm lược toàn diện.  Khi Kyiv vẫn thách thức hơn bao giờ hết, chính phủ Ukraine đã phải chịu nhiều lời tố cáo thậm chí không có bằng chứng,  với nghiện ma túy và một loạt các rối loạn nhân cách được đưa vào,  để chắc chắn biện pháp đó là hoàn hảo  và thành công. Vẫn thách thức hơn nữa, và Ukraine đã bị nâng lên thành một mối đe dọa đối với sự văn minh, được đánh dấu bằng sự suy đồi liền kề với chủ nghĩa ngoại giáo. Khi điều này vẫn chưa  đủ, và cần phải giải thích tại sao mà nước Nga hùng mạnh lại không thể vượt qua một cường quốc nhỏ hơn và kém hơn, thì vai trò của NATO, và đặc biệt là Mỹ và Anh, đã được nhấn mạnh. Và một khi chúng được xác định là kẻ thù thực sự,  thì toàn bộ cuộc đấu tranh có được một khía cạnh mới với phép lượng hóa.

Tất cả những khía cạnh của lối sống phương Tây mà Putin coi thường giờ đây phải bị trục xuất khỏi Nga. Điều này vượt ra ngoài việc đè bẹp bất đồng chính kiến về chính trị, vượt ra ngoài sự truyền bá các chủ đề yêu nước và quân phiệt,  mà còn là sự khẳng định tính ưu việt của nền văn minh Nga. Những ai muốn xem điều này đã dẫn đến đâu có thể tham khảo một tài liệu do Tòa Thượng phụ Moscow của Giáo hội Chính thống Nga công bố,  được Hội đồng Nhân dân Nga trên Thế giới phê chuẩn tại Moscow vào ngày 27- 28 tháng Ba. Điều này khẳng định, Nga đang tiến hành một "cuộc thánh chiến". Việc này được trình bày như một dự án đế quốc, tạo ra một quê hương mở rộng cho tất cả người dân Nga, bao gồm cả các nhóm nhỏ của người Belarus và người Ukraine, những người Nga có văn hóa và tâm linh của họ sẽ được tôn vinh, và dự án đế quốc này cũng như một cuộc đấu tranh phòng thủ chống lại "chủ nghĩa toàn cầu" và "chủ nghĩa satan", mà đã kìm kẹp phương Tây.

Putin đi cùng với điều này. Y dường như đồng nhất với Giáo hội Chính thống Nga trong quyết tâm chống lại những gì được mô tả là "phong trào đồng tính luyến ái nữ (LGBT) quốc tế", và bây giờ đã được chỉ định là "khủng bố". Các cuộc đàn áp đã bắt đầu.  Đây không phải là một chủ đề mới đối với Putin.  Ngay từ năm 2013, Điện Kremlin đã cấm tuyên truyền "quan hệ tình dục phi truyền thống giữa những trẻ vị thành niên".  Sau cuộc xâm lược toàn diện, bất kỳ tài liệu tham khảo công khai nào về lối sống đồng tính luyến ái nữ  đều trở thành bất hợp pháp. Thượng phụ Kirill nham hiểm, người đứng đầu Giáo hội Chính thống và được cho là một cựu nhân viên KGB, đã xác định các cuộc diễu hành tự hào đồng tính nam ở Kyiv,  là một lý do cho tại sao cuộc xâm lược là quan trọng. Các mục bổ sung trong danh sách những kẻ cực đoan và khủng bố là những người theo cố lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny, Nhân Chứng Giê-hô-va, và công ty công nghệ Meta.  ( #Nhân Chứng Giê-hô-va là tín đồ Ki-tô giáo, nhưng họ không đồng ý với một số giáo huấn của Giáo hội Công giáo, cũng không xem mình là người theo đạo Tin Lành, một “phong trào tôn giáo đối nghịch với Công giáo La Mã”.)

Thật dễ dàng để bác bỏ điều này như những điều vô nghĩa loạn trí, nhưng đó sẽ là một sai lầm. Nó chiếu sáng nền tảng ý thức hệ của chủ nghĩa Putin. Nó đưa chúng ta rời xa khỏi những nỗ lực để hiểu cuộc chiến này là kết quả của sự mở rộng của NATO,  và các chính sách được cho là vô lý của phương Tây, những  chính sách được cho là đã đẩy Nga vào hành vi hung hăng bất thường. Sự bất lực trong việc nắm bắt những quan điểm phản động và bị ám ảnh sâu sắc của Putin,  với quan điểm mang đặc tính riêng của y về lịch sử, có thể được nhìn thấy trong sự hoang mang ngày càng tăng của Tucker Carlson,  khi anh chàng này cố gắng phỏng vấn Putin vào đầu tháng Hai.

Dù câu chuyện này phức tạp và phi thực tế đến đâu, nó đã được giới chóp bu và truyền thông Nga tiếp thu một cách đầy đủ, để họ có thể đối phó với hầu hết các tình huống. Nhưng đôi khi một cái gì đó xảy ra mà với câu chuyện của Putin thì không hề thích đáng, một cái gì đó hoàn toàn không phù hợp.

Điều này xảy ra vào ngày 22 tháng Ba, lúc mà một cuộc tấn công đến từ một hướng khác, khi những kẻ khủng bố Hồi giáo tiến hành cuộc tấn công khủng khiếp khiến 144 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương, khi họ tham dự một buổi hòa nhạc tại Tòa thị chính Crocus ở Moscow.

Thủ phạm là những thành viên của Nhà nước Hồi giáo - Khorasan (IS-K), thuộc chi nhánh Afghanistan và Pakistan. Nga đã phải chịu đựng chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo trong quá khứ. Nhóm đặc biệt này gần đây đã cố gắng tấn công nhưng đã bị thất bại. Cũng không có vấn đề gì với động cơ tấn công, mặc dù Putin có vẻ bối rối rằng lập trường chống Israel của Nga qua cuộc chiến Gaza, đã không làm hài lòng các nhóm Hồi giáo. ( Putin lưu ý, Nga "đại diện cho một giải pháp công bằng trong cuộc xung đột Trung Đông đang leo thang", như thể điều đó sẽ gây ấn tượng đối với những người Hồi giáo cực đoan.) Động cơ có thể được tìm thấy từ Chiến tranh Chechnya, vai trò của Nga chống lại IS và các nhóm liên quan ở Syria và Tây Phi, và bây giờ thì ủng hộ Taliban ở Afghanistan. Một số người Tajik đã bị bắt, bao gồm bốn thủ phạm bị cáo buộc, những người dường như có dấu hiệu bị đánh đập và tra tấn tại tòa án. Tajikistan là nguồn cung cấp số lượng các tân binh không cân xứng với tỷ lệ dân số của họ cho cuộc chiến, và do đó bị thương vong, và điều đó giúp giải thích sự hấp dẫn của chủ nghĩa Hồi giáo.

Do đó, các nhà chức trách Nga đã nhận thức được rủi ro. Nhưng FSB,  cơ quan tình báo Nga,  đang bị kéo căng. Trước năm 2014, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo được ưu tiên cao nhưng bây giờ phần lớn hoạt động của FSB có liên quan đến cuộc chiến với Ukraine, cũng như các nhiệm vụ mới,  chẳng hạn như bức hại các thành viên của cộng đồng đồng tính nữ (được xác định là khủng bố cùng ngày xảy ra vụ tấn công). Trong quá khứ, Mỹ, vốn lo lắng và theo dõi các nhóm tương tự, đã chuyển cảnh báo cho Moscow về các cuộc tấn công sắp xảy ra, điều này đã được Nga cảm ơn. Khi họ làm điều tương tự vào ngày 7 tháng 3, bao gồm cả cảnh báo công khai cho công dân Mỹ tránh xa các buổi hòa nhạc, điều này đã bị Putin chế giễu là một hành động khiêu khích lật đổ.  (Người ta nhớ đến việc Stalin từ chối chấp nhận cảnh báo về cuộc xâm lược tiềm năng của Đức vào tháng Sáu năm 1941, vì ông ta cho rằng các nguồn tin mà ông nhận được chỉ đơn giản là cố gắng khuấy động rắc rối giữa Liên Xô và Đức Quốc xã.) Sau cuộc tấn công, cảnh báo đã được trích dẫn trên các phương tiện truyền thông Nga, như là bằng chứng cho thấy người Mỹ đã tham gia vào âm mưu này.

Khi cuộc tấn công xảy ra, phản ứng của chính quyền Nga rất chậm chạp. Lực lượng an ninh đã được đặt trong tình trạng báo động cao trước cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 17 tháng Ba, bao gồm cả tại Tòa thị chính Crocus, nhưng điều này đã được nới lỏng khi chiến thắng của Putin được công bố. Điều đó có thể giúp giải thích thời điểm của cuộc tấn công.

Bằng cách nào đó, cuộc tấn công phải được khiến phù hợp với câu chuyện đã được phê duyệt. Chắc chắn Ukraine đã sớm bị đổ lỗi. Người đứng đầu cơ quan tình báo Nga, Alexander Bortnikov, đã cảnh báo vào tháng Mười năm ngoái rằng IS-K có hơn 6.500 thành viên và có thể bắt đầu các cuộc tấn công bên ngoài Afghanistan "trong tương lai gần". Tuy nhiên, sau sự kiện này, ông ta báo cáo rằng cuộc tấn công "được chuẩn bị bởi cả những người Hồi giáo cực đoan và,  một cách tự nhiên, được tạo điều kiện bởi các cơ quan đặc biệt của phương Tây". Theo lý thuyết này, những nỗ lực chính của CIA và MI6 "tập trung vào việc hình thành một vành đai bất ổn, dọc theo biên giới phía nam của Cộng đồng các quốc gia độc lập. Để đạt được mục đích này, các chiến binh tiếp tục được tuyển mộ từ các tổ chức khủng bố quốc tế hoạt động ở Iraq, Syria và một số quốc gia châu Á và châu Phi khác và chuyển đến miền bắc Afghanistan".

Putin chỉ lên tiếng sau vụ tấn công ba ngày. Sau đó, y thừa nhận rằng nó đã được thực hiện bởi "những người Hồi giáo cực đoan", nhưng y vẫn nhấn mạnh vào vai trò có thể có của Ukraine.

Ngay cả sau khi thủ phạm đã bị bắt và IS đã nhận trách nhiệm, (họ phát hành một đoạn video rùng rợn để đưa ra quan điểm của họ), vẫn không có sự dao động. Thật vậy, IS đã trở nên khó chịu trước nỗ lực của Nga nhằm phủ nhận chiến thắng của họ, đến nỗi họ đã đưa ra một tuyên bố trên một trong những tờ báo của họ, Al-Naba, rằng :

"Sau thất bại vang dội của mình, Nga không tìm thấy lựa chọn nào khác ngoài việc chỉ đạo các cáo buộc thông đồng chống lại các đối thủ của mình trong phe phương Tây,  để trốn tránh thừa nhận thất bại to lớn của Nga khi đối mặt với mujahideen."

Nhiều nghi ngờ đã được đặt ra đối với tuyên bố của Nga, khi nhà lãnh đạo Belarus,  Alexander Lukashenko quan sát thấy rằng,  lý do duy nhất khiến những kẻ khủng bố chạy trốn rẽ vào con đường hướng tới Ukraine (bằng chứng quan trọng trong trường hợp của Nga) là họ đã bị chuyển hướng khỏi Belarus,  nơi mà họ đang hướng tới, bởi vì Lukashenko vừa đóng cửa biên giới theo lệnh của Putin.

Đối mặt với các hệ thống niềm tin rất khác với những tuyên bố của chính mình,  và thực tế vốn rất dễ làm sai lệch, thật hấp dẫn khi cho rằng mọi thứ đều là bịa đặt, rằng những câu chuyện được tạo ra để gây ảnh hưởng đến quần chúng đã không được quần chúng coi trọng. Xét cho cùng, Putin và những người thân cận nhất của y  lớn lên trong thế giới gián điệp,  nơi mà bằng chứng và dư luận  được cho là có thể dễ dàng thao túng, và đây là một thế giới mà họ chưa bao giờ thực sự rời khỏi. Đôi khi lời nói dối rất rõ rệt và vụng về. Cơ quan tình báo Nga cũng có lợi ích rõ ràng trong việc đổ lỗi cho phương Tây và Ukraine, để làm chệch hướng những lời chỉ trích về sự bất lực của họ, trong việc ngăn chặn cuộc tấn công và đối phó với nó khi nó diễn ra.

Tuy nhiên, đối với Điện Kremlin, sự dối trá và giả tạo là để phục vụ cho một sự thật cao hơn. Chúng giúp củng cố thông điệp rằng, mọi kẻ thù của Nga đang cấu kết với nhau để thực sự có một trục Đức Quốc xã - Hồi giáo - toàn cầu hóa - satan, trục này đang thông đồng tấn công chống lại nền văn minh Nga. Nếu vậy thì phải thực hiện mọi biện pháp cần thiết để cảnh báo mọi người về sự nguy hiểm và huy động họ chống trả. Người Ukraine phải bị lãnh đạo bởi Đức quốc xã bởi vì, bất kể xuất thân và những tuyên bố trên thực tế của họ, bất cứ ai chiến đấu chống Nga đều phải là Đức quốc xã, và Nga là người giỏi nhất khi chiến đấu với Đức quốc xã, như họ đã làm từ năm 1941 đến năm 1945.

Sau khi xem xét tuyên bố của Putin đổ lỗi cho Ukraine về vụ tấn công Tòa thị chính Crocus, nhà sử học Tim Snyder đã đứng về phía niềm tin, lưu ý: "Đây không còn là Putin chỉ còn tin vào những gì y coi là đúng, kẻ có khả năng thay đổi lời nói dối này sang lời nói dối khác khi cần thiết với người đồng hành, dễ dàng như trở bàn tay . Bây giờ dường như đây là một Putin thực sự tin vào những gì y nói - hoặc, trong trường hợp tốt nhất, thiếu sự sáng tạo để phản ứng với các sự kiện trên thế giới".

Có một câu ngạn ngữ cổ trong xã hội học (được gọi là định lý Thomas) rằng,  nếu một cái gì đó được tin là có thật thì nó có thật trong hậu quả của nó. Đây cũng có thể là tình huống dành cho những lời nói dối có chủ ý, vốn được phép thay thế cho thực tế hoặc phục vụ cho một sự thật cao hơn được nhúng trong hệ tư tưởng đang thịnh hành. Vào thời Xô Viết, chính quyền có khả năng chuyển đổi đột ngột từ quan điểm giáo điều này sang quan điểm giáo điều khác nếu quan điểm cũ trở nên bất tiện. Có lẽ, như Snyder gợi ý, Putin thiếu sự linh hoạt đó. Đây là lý do tại sao tôi đã mô tả ông ta như là một kẻ cuồng tín chiến lược.

Hậu quả thực sự trong hệ thống niềm tin của Putin có thể được nhìn thấy trong các cuộc tấn công tên lửa nặng nề nhắm vào các thành phố Ukraine, sau các cuộc tấn công ở Tòa thị chính Crocus, như thể đây là một sự trả thù thích hợp, (với một số người viết "vì Crocus" trên tên lửa khi họ phóng chúng vào các thành phố Ukraine). Nó có thể được nhìn thấy nếu sau này Putin cần phải biện minh cho việc động viên nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, các sự kiện không hoàn toàn phù hợp với câu chuyện chính thức có thể có tác động gây rối. Thủ phạm đến từ quốc gia Trung Á Tajikistan chủ yếu là người Hồi giáo. Gần một triệu người Tajik (với dân số mười triệu người) đã được đăng ký ở Nga là lao động nhập cư vào năm 2023. Cũng như các nhóm khác từ Trung Á, họ giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động do chiến tranh gây ra; cả ở trên tiền tuyến, nơi họ chết với số lượng không cân xứng, lẫn trong nền kinh tế ở trong nước. Điều này tạo ra một sự căng thẳng. Tài liệu do Giáo hội Chính thống công bố hướng đến việc Nga tăng gấp bốn lần dân số, lên 600 triệu người trong 100 năm tới bằng cách khuyến khích các gia đình có nhiều con cháu (Putin đã chỉ định năm 2024 là "năm của gia đình",  phản ảnh những lo lắng về nhân khẩu học đã trở nên tồi tệ hơn do chiến tranh).  Tuy nhiên, Giáo hội cũng phản đối việc cho phép những người di cư, những người không chia xẻ các giá trị của Nga, làm giảm lương của người bản địa, và khuyến khích tội phạm và khủng bố.

Đây là một chủ đề thường xuyên của các nhóm cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, của các cơ quan an ninh và cảnh sát đang lo lắng để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố nhiều hơn. Ngược lại, Điện Kremlin, nhận thức được rằng người di cư là cần thiết cho cả chiến tranh lẫn nền kinh tế,  đang lo lắng điều này có thể dẫn đến đâu,  đặc biệt là nếu căng thẳng sắc tộc vượt khỏi tầm kiểm soát. Tờ New York Times dẫn lời một nhà phân tích thân Moscow: "Đó là một mâu thuẫn. Và cuộc tấn công khủng bố này đã làm trầm trọng thêm vấn đề rắc rối này".

Vấn đề rắc rối khác là các dịch vụ an ninh quá căng thẳng, đến nỗi họ không thể bao quát một phạm vi rộng lớn của những kẻ thù khác nhau. Nếu một số lượng lớn người đang bận rộn theo dõi các tài khoản trên mạng truyền thông xã hội để tìm bằng chứng về sự xuyên tạc và bất đồng chính kiến,  thì sẽ có ít người hơn theo dõi các hoạt động của Hồi giáo. Một bài báo gần đây trên tạp chí Foreign Affairs viết bởi  Timothy Frye, Henry Hale, Ora John Reuter và Bryn Rosenfeld, dựa trên các cuộc thăm dò, cho thấy sự kết hợp giữa sự ủng hộ rộng rãi dành cho Putin và sự mệt mỏi với chiến tranh ngày càng tăng.  Họ lưu ý, ngay cả "những người ủng hộ trung thành của Putin, phần lớn nói nước đôi về cuộc chiến".

"Trong số những người ủng hộ Putin, sự phản đối chiến tranh đặc biệt tập trung ở các nhóm có nhiều khả năng bị tuyển dụng để thực hiện nghĩa vụ quân sự, và phải đối mặt với hoàn cảnh kinh tế bấp bênh... Những người ủng hộ Putin càng ít học, càng có nhiều khả năng phản đối tiếp tục chiến tranh, so với các đối tác của họ có bằng cấp cao hơn".

Các tác giả kêu gọi phương Tây truyền tải thông điệp tới Nga rằng,  "chi phí kinh tế và quân sự của việc tiếp tục cuộc chiến ở Ukraine thì lớn hơn lợi ích".  Họ nhận thức được sự khó khăn của việc lật đổ một nhà độc tài vào thời điểm chiến tranh. Putin đã đè bẹp mọi phe đối lập.  Tuy nhiên, bây giờ y nên lo lắng về "sự bất hòa" giữa các cơ sở của mình.

Putin không có cách nào rõ ràng để chấm dứt cuộc chiến này. Như Roderic Lyne đã lưu ý trong một bài viết gần đây:  "Cuộc chiến sẽ định hình những năm cầm quyền hấp hối của Putin. Ông ta không thể lùi bước khỏi mục tiêu của mình là làm xấu mặt Ukraine.  Ông ta có thể giành được nhiều lãnh thổ hơn, nhưng người Ukraine sẽ không bao giờ sẵn sàng từ bỏ tự do và chủ quyền của họ. Do đó, Putin đã trói buộc Nga vào một cuộc chiến lâu dài, một cuộc chiến không có điểm kết thúc rõ ràng, và một cuộc xung đột kéo dài trong nhiều năm trước mắt, với phương Tây cũng như với Ukraine".

Thay vì tìm cách thoát khỏi tình trạng khó khăn của mình, Putin đã leo thang những luận điệu ngụy biện  của mình và chồng chất thêm kẻ thù, những người mà ông ta không có thể đánh bại bất kỳ ai. Lập trường của ông ta có thể đủ mạnh để chịu được mọi thất bại và bối rối. Nhưng các sự kiện gặm nhấm dần quyền lực của ông ta. Bất chấp những kỳ vọng về tiến trình chống lại các lực lượng Ukraine đã cạn kiệt, tiến bộ trong cuộc chiến trên bộ vẫn còn chậm,  Putin vẫn phải đối mặt với các cuộc xâm nhập thường xuyên vào lãnh thổ Nga của các dân quân tự xưng chống Putin, cùng với các cuộc tấn công của Ukraine nhắm vào Hạm đội Biển Đen và các nhà máy lọc dầu của Nga. Cuộc tấn công đơn độc của IS có thể bị bóp méo để phù hợp với câu chuyện; nhưng một loạt các cuộc tấn công của IS sẽ là một vấn đề khác.

Nếu cần một lập luận chống lại chế độ chuyên chế không bị kiểm soát, nước Nga của Putin cung cấp được cho việc đó.  Tiếp tục thất bại trong việc đạt được mục tiêu chỉ làm trầm trọng thêm sự cuồng tín của Putin.  Vấn đề không phải là ông ta phi lý mà là cách ông ta đóng khung vấn đề Ukraine, buộc ông ta phải hành động theo những cách vô lý hơn bao giờ hết,  bởi vì nếu làm khác đi sẽ đòi hỏi phải nhượng bộ các lực lượng vốn thách thức ý tưởng của ông ta về quốc gia Nga,  và những gì mà nó đại diện. Trong hơn một thập kỷ, Putin đã xoay sở để biến một khía cạnh phiền phức trong chính sách đối ngoại của Ukraine thành một mối đe dọa sống còn.  Ông ta sẽ gắn bó với một cuộc chiến không có hồi kết bởi vì y không dám thừa nhận rằng,  đúng là điên rồ khi phát động nó ngay từ đầu. Vì vậy, cỗ máy chiến tranh phải được nuôi dưỡng bằng tất cả nhân lực và vật lực sẵn có, tư tưởng độc lập và phê phán phải bị đàn áp,  và người Ukraine phải bị trừng phạt vì sự không chịu phục tùng của họ với sự tàn phá và tàn ác hơn bao giờ hết.


_ Lawrence Freedman là người đóng góp thường xuyên cho tạp chí New Statesman.

_ Trần H Sa lược dịch từ The New Statement.... 10/4/2024. 

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.