Trung Quốc, Nga và Iran đang hồi sinh thời đại của các đế chế.

Các quốc gia phương Tây bị mất thuộc địa ở nước ngoài vốn đã có công việc làm ăn ổn thỏa trong thời kỳ hòa bình do Mỹ bảo trợ. Nhưng Tập và Putin muốn lấy lại sức mạnh đế quốc đã mất từ lâu của đất nước họ.

Tác giả  Hal Brands...14 / 4/ 2024...Theo Bloomberg.

Những bóng ma của đế chế đang ám ảnh lục địa Âu Á. Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách đòi lại quyền lực và đặc quyền của các triều đại hùng mạnh từng chinh phục châu Á. Tổng thống Vladimir Putin đang truyền tải ký ức, và phương pháp của những kẻ chinh phục từ quá khứ đế quốc nổi tiếng của Nga. Iran đang xử dụng các lực lượng ủy nhiệm, tên lửa và các phương tiện khác để xây dựng một phạm vi ảnh hưởng,  bao gồm các phần của Đế chế Ba Tư cũ. Cách đây không lâu, phần lớn thế giới bị cai trị bởi các đế chế. Nếu ngày nay các quốc gia theo chủ nghĩa muốn thay đổi hiện trạng có phương cách của họ, tương lai có thể giống như quá khứ.

Đế chế có nhiều hình thức, nhưng thuật ngữ này thường đề cập đến một tập hợp đa quốc gia gồm các dân tộc và lãnh thổ, trong đó quyền lực vươn ra ngoài từ một trung tâm thống trị. Trong nhiều thế kỷ, trật tự và rối loạn toàn cầu được định hình bởi sự đụng độ của các đế chế đối địch. Câu chuyện to lớn của địa chính trị thế kỷ 20 là sự suy tàn hoặc hủy diệt của các đế chế lớn, chính thức ở châu Âu và châu Á, và sự thay thế chúng bằng một đế chế không chính thức, to lớn hơn do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, những giấc mơ về đế chế rất khó chết,  và cho đến nay câu chuyện về địa chính trị của thế kỷ 21, là cuộc tìm kiếm sự phục hồi đế quốc bởi  một loạt các chế độ chuyên chế đầy tham vọng, đang cản trở trật tự quốc tế tự do mà Washington điều hành.

Câu chuyện đó cũng là một minh họa cho thấy những di sản lịch sử có thể mạnh mẽ và nguy hiểm như thế nào. Các đế chế một thời mà đã thích nghi thành công nhất với thế giới hiện đại,  là những đế chế mà cuối cùng đã trở nên tốt hơn sau khi bị mất đi sự vĩ đại. Đức, Nhật Bản, Anh và các nước khác đã chấp nhận, dù miễn cưỡng,  rằng họ có nhiều khả năng để phát triển mạnh mẻ với tư cách là thành viên của đế chế Mỹ,  hơn là cố gắng hồi sinh đế chế của chính họ. Ngược lại, những nước hiện nay đang gây ra nhiều rắc rối nhất là những nước quyết tâm làm sống lại những vinh quang - và giải quyết những bất bình -  của quá khứ.

Các đế chế đã tồn tại trong suốt lịch sử, điều không có gì đáng ngạc nhiên là, trước sự thích thú mở rộng của kẻ mạnh là cái giá phải trả của kẻ yếu. Rome đã từng làm chủ những vùng rộng lớn nổi tiếng của thế giới. Trung Quốc và Nga ngày nay là những nước thừa kế của các quốc gia đế quốc,  vốn đã kiểm soát phần lớn lục địa Á-Âu. Bản thân Hoa Kỳ bắt đầu như một phần của Đế quốc Anh và cuối cùng đã trải dài trên toàn cầu.

Thời đại của đế chế đạt đến đỉnh cao vào đầu thế kỷ 20. Như nhà sử học Richard Overy kể lại, trước Thế chiến I,  Anh kiểm soát một đế chế rộng 31 triệu km vuông. Đế quốc Pháp, ở mức 12,5 triệu km vuông, lớn hơn 20 lần so với chính quốc Pháp. Từ sự bành trướng tràn lan của đế quốc, chỉ có một nhúm quốc gia độc lập ở châu Phi và châu Á -  một trong số đó, Nhật Bản, đang xây dựng đế chế và cuối cùng trải sâu vào châu Á và trên phần lớn Thái Bình Dương.

Các cuộc chiến tranh tồi tệ nhất của thế kỷ 20 là các cuộc chiến tranh của đế quốc. Chiến tranh thế giới thứ nhất có nguồn gốc từ cuộc đụng độ giữa các đế quốc Áo -Hung và đế quốc Nga để giành ảnh hưởng ở Balkan, cũng như những căng thẳng được tạo ra bởi Đức mong muốn thống trị châu Âu và giành được đặc quyền đế quốc ở nước ngoài. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra khi Đức, Nhật Bản và Ý tìm cách chinh phục các lãnh địa khổng lồ,  mà sẽ khiến cho họ thịnh vượng và an toàn.

Các đế chế có thể có các nguồn tài nguyên : Gần 1,7 triệu người Ấn Độ đã phục vụ cho sự nghiệp của Anh trong Thế chiến I. Thực phẩm và nguyên liệu thô từ các đế chế Anh và Pháp đã duy trì nỗ lực chiến tranh của Đồng minh. Bài học mà Đức Quốc xã, Phát xít Ý và Đế quốc Nhật Bản rút ra từ cuộc xung đột đó - và đã được áp dụng trong những năm 1930 và 1940 là -  sự bành trướng bạo lực là chìa khóa để giành được đất đai, thị trường và tài nguyên, qua đó cho phép họ thống trị một thế giới đầy cạnh tranh.

Tuy nhiên, những cố gắng giành lấy sự vĩ đại thường kết thúc bằng sự hủy diệt, bởi việc kích hoạt cơn thịnh nộ của các liên minh đối kháng. Các đế chế Đức, Nhật Bản và Ý đã bị hủy hoại bởi các cuộc xung đột toàn cầu mà các quốc gia đó khởi xướng. Những người chiến thắng cũng không khá hơn là bao: Hai cuộc chiến tranh thế giới, và các phong trào độc lập mà họ tung ra, cuối cùng đã phá vỡ các đế chế của Anh, Pháp, Hà Lan và các cường quốc châu Âu khác. Đế chế Sa hoàng của Nga sụp đổ dưới sự căng thẳng của Thế chiến I, được hồi sinh với tư cách là một đế chế xã hội chủ nghĩa dưới hình thức Liên Xô, và sau đó tan rã một lần nữa khi nó bị đánh bại trong Chiến tranh Lạnh. Thời đại của đế chế, dường như, cuối cùng đã kết thúc.

Dù sao, cũng ở trong thời đại của đế quốc chính thức, Hoa Kỳ là một tác nhân cho sự hủy diệt của đế quốc trong thế kỷ 20: Lợi ích tự thân của Mỹ, cũng như hệ tư tưởng sáng lập chống thực dân của họ, khiến Mỹ  không thoải mái trong một thế giới của các quốc gia theo chủ nghĩa bành trướng hung hăng của Thế giới cũ. Hoa Kỳ đã giúp đánh bại các cường quốc trung tâm, các cường quốc phe Trục và các cường quốc cộng sản. Ít bạo lực hơn, và lừng chừng hơn, Mỹ đã xử dụng các công cụ kinh tế và ngoại giao để đẩy nhanh sự kết thúc của các đế chế Anh, Pháp và các đế chế châu Âu khác trong Thế chiến II, và sau đó là trong Chiến tranh Lạnh -  đưa Mỹ vào vị thế là một đế chế không chính thức, đầy ấn tượng.

Mỹ chưa bao giờ là một đế quốc, theo tiêu chuẩn châu Âu. Nó không hề có một bộ sưu tập gồm nhiều thuộc địa ở nước ngoài. Sau khi trao độc lập cho Philippines, vào năm 1946,  Mỹ chỉ còn lại vài dấu tích của đế chế chính thức. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Washington đã thực hiện một dự án đế quốc khác.

Nếu về căn bản, đế quốc là sự thâm nhập vào một xã hội bằng sức mạnh của một xã hội khác, thì thật khó để mô tả nghệ thuật lãnh đạo của Mỹ sau Thế chiến II là một thứ gì đó ngoại trừ đế quốc. Sau Thế chiến II, Mỹ chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý nền kinh tế toàn cầu, giống y như Anh, với lực lượng hải quân và ưu thế về thương mại, tài chính quốc tế, đã có một thế kỷ trước đó. Hoa Kỳ đã thiết lập liên minh quân sự với các quốc gia trên khắp lục địa Á-Âu - biến một số trong số họ, chẳng hạn như Tây Đức và Nhật Bản, thành những nước bị bảo hộ chiến lược trên thực tế -  và xây dựng chòm sao các căn cứ quân sự ở nước ngoài, cho phép Mỹ khai  triển sức mạnh của mình vào các góc xa xôi của thế giới.

Washington đã can thiệp vào chính trị nội bộ của các quốc gia, với mức độ tinh tế khác nhau,  từ Tây Âu đến Đông Nam Á. Mỹ đã xử dụng sức mạnh vô song của mình để ngăn chặn sự xâm lược quân sự và phổ biến vũ khí hạt nhân,  chống lại chủ nghĩa cộng sản và ủng hộ nền dân chủ (mặc dù có chọn lọc), và mặt khác thì đặt ra các quy tắc quản trị toàn cầu. Và nhờ những cái tên như Hollywood và Coca-Cola,  Mỹ cũng đạt được sự thống trị về văn hóa. Về sức mạnh toàn cầu và tham vọng toàn cầu của mình, Mỹ đã vượt trội so với bất kỳ đế quốc nào trong quá khứ.

Dự án này chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi ích cá nhân, cụ thể là sự cần thiết phải kềm chế Liên Xô,  và mặt khác định hình thế giới theo những cách có thể, khiến cho bản thân Hoa Kỳ thịnh vượng và an toàn. Hơn nữa, giống như mọi dự án đế quốc, nó có một số biện pháp tàn bạo, vô đạo đức, chẳng hạn như các cuộc đảo chính, chống nổi dậy và hỗ trợ cho một số nhà cai trị hà khắc ở những nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Nam bán cầu. Nhu cầu chống lại chủ nghĩa cộng sản thậm chí còn khiến Washington đảm nhận vai trò từng là của các cường quốc châu Âu thực hiện ở những nơi như Việt Nam -  và cuối cùng chiến đấu với chính các phong trào cách mạng mà đã từng thách thức các cường quốc đó.

Tuy nhiên, đế chế Mỹ vẫn là ngoại lệ. Ảnh hưởng thường hướng tâm: Nó được hình thành một phần vì rất nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á đang rất cần sự bảo trợ và bảo vệ của Washington trong bối cảnh hỗn loạn của Chiến tranh Lạnh. Sự giàu có thường hướng ngoại : trong 25 năm sau năm 1945, tỷ trọng trong GDP toàn cầu của Mỹ đã giảm đáng kể và các quan chức Mỹ coi sự phát triển đó là một thành công,  vì các đồng minh của Washington là những người hưởng lợi lớn nhất. Trên thực tế, các quốc gia đã từng cai trị các đế chế khổng lồ -  Anh, Pháp, Hà Lan, Đức, Nhật Bản, Ý và các nước khác -  đã quyết định họ nên trở thành thành viên của Mỹ thì tốt hơn.

Đây là một sự phát triển đáng kinh ngạc. Nó đòi hỏi các đế quốc hùng mạnh một thời phải giảm tham vọng của họ và xác định lại bản sắc dân tộc của họ. Điều đó có thể bởi vì đế chế của họ đã bị tàn phá bởi chiến tranh và hậu quả của chiến tranh -  và bởi vì Hoa Kỳ đã mang lại nhiều lợi ích hơn so với các đế chế đó đã từng cung cấp.

Mỹ đã cung cấp cho các đồng minh của mình ở châu Âu và châu Á sự bảo vệ chống lại kẻ thù của họ. Nó  bảo đảm cho họ quyền tiếp cận vào các thị trường, tài nguyên và các tuyến đường biển cần thiết cho tăng trưởng kinh tế. Cho đến năm 1945, người ta thường tin rằng an ninh và thịnh vượng đòi hỏi sự bành trướng của đế quốc. Trong thế kỷ 20, Washington đã tạo ra một thế giới mà trong đó các quốc gia  có thể tồn tại và phát triển,  mà không cần xây dựng đế chế khổng lồ của riêng họ, ngay với cả những kẻ thù gần đây của Mỹ như Nhật Bản.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thoát khỏi được trò chơi đế quốc. Ảnh hưởng của Mỹ có vẻ ôn hòa đối với các nền dân chủ tiên tiến theo kiểu Mỹ, những quốc gia vốn được hưởng lợi nhiều nhất từ đầu tư của Mỹ vào một thế giới tương đối tự do, hòa bình. Các di sản đế quốc đã bị đương đầu dễ dàng hơn trong các xã hội dân chủ, vốn có xu hướng hoài nghi nhiều hơn, mà ngày nay thường liên quan đến việc xây dựng đế chế mang tính ép buộc. 

Tuy nhiên, đế chế Mỹ có vẻ bị đe dọa nhiều hơn ở một số chế độ chuyên chế Á-Âu, vốn coi các giá trị tự do là mối đe dọa đối với chính chế độ của  họ - và coi sức mạnh của Mỹ là rào cản để họ đòi lại các đặc quyền đế quốc mà họ từng được hưởng. Do đó, trên khắp lục địa Á-Âu, các đế chế -  với mức độ bạo lực và hình thức khác nhau -  đang trở lại.

Thể hiện hàng đầu là Putin, kẻ cai trị tân đế quốc nổi bật và rõ ràng nhất. Tổng thống Nga tự hào tự phong mình là một nhà chinh phục vĩ đại theo khuôn mẫu của các Sa hoàng. Như một quan chức Nga châm biếm, các cố vấn thân cận nhất của Putin gọi y là "Ivan khủng khiếp, Peter Đại đế và Catherine Đại đế". Putin không giấu giếm rằng mục tiêu của y là xây dựng lại một Đế chế Nga trên lãnh thổ của Liên Xô cũ - nơi mà sự sụp đổ của nó được y gọi là "thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ 20" -  và trả thù cho sự sỉ nhục mà Nga phải chịu đựng sau khi nhà nước mẹ Liên xô tan rã.

Trong một phần tư thế kỷ, Putin đã chiến đấu trong các cuộc chiến tranh trên những lãnh thổ kế vị từ Liên Xô -  một loạt các cuộc xung đột, ở những nơi từ Chechnya đến Moldova, nhằm đảo ngược sự suy giảm quyền lực của Moscow bên trong không gian hậu Xô Viết. Ngày nay, y đang theo đuổi cuộc chinh phục Ukraine hoàn toàn và sáp nhập nước này vào Nga -  hành động trần trụi nhất của chủ nghĩa tân đế quốc mà châu Âu từng thấy trong nhiều thế hệ, và một hành động mà Putin biện minh thông qua các tài liệu tham khảo gần như liên tục về quá khứ đế quốc của Nga.

Putin tuyên bố, Nga và Ukraine là "một dân tộc - một tổng thể duy nhất",  điều đó có nghĩa là cùng dân tộc có thể làm cho cái tổng thể duy nhất được hợp lý. Như nhà sử học Jeffrey Mankoff viết trong cuốn sách xuất sắc của ông; "Đế chế Á-Âu", Putin coi việc phủ nhận chủ quyền của các nước láng giềng là điều kiện tiên quyết để tái khẳng định sự kiểm soát của Moscow đối với họ, nhưng về bản sắc, họ là các quốc gia độc lập.

Tầm nhìn về đế chế cũng sống động và sâu sắc ở Bắc Kinh. Giống như Nga, Trung Quốc là một quốc gia có sự bất bình: Nó tự coi mình là nạn nhân của chủ nghĩa đế quốc châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, trong suốt "thế kỷ nhục nhã" kéo dài từ khi bắt đầu Chiến tranh Nha phiến vào những năm 1830 đến khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Nhưng bây giờ Trung Quốc mạnh mẽ, tự hào và mong muốn tái tạo một lãnh thổ gần như đế quốc.

Bắc Kinh tìm kiếm một phạm vi ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương,  điều mà một số nhà phân tích mô tả là phiên bản trước đây của hệ thống cống nạp đế quốc cũ của Trung Quốc, để họ có thể nhận được sự tôn trọng từ các quốc gia nhỏ hơn gần nó. Trung Quốc đang xây dựng lại các mô hình ảnh hưởng cũ bên trong lục địa Á-Âu, thông qua các dự án như Sáng kiến Vành đai và Con đường của Tập Cận Bình, trong khi bình định các vùng biên cương của nó một cách tàn bạo - cụ thể là Tây Tạng và Tân Cương, nằm giữa khu vực người  Hán là cốt lõi của đất nước,  và vùng ngoại vi của đế quốc này. Và trong khi Trung Quốc không cố gắng chinh phục nước ngoài, như Nga đang làm,  nó có những tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết từ dãy Hy Mã Lạp Sơn cho đến Biển Đông.

Âm vang của đế quốc không thể không nghe thấy. Bắc Kinh đưa ra yêu sách của nó đối với Biển Đông dựa trên những lập luận về tầm với và ảnh hưởng từ triều đại nhà Hán cách đây hai thiên niên kỷ. Cộng đồng Vận mệnh chung, khái niệm của Trung Quốc về một trật tự toàn cầu hậu Mỹ, bắt nguồn từ khái niệm đế quốc của Trung Quốc về thiên hạ, hay "chung dưới bầu trời". Các nhà lãnh đạo và các tuyên truyền viên Trung Quốc thường ca ngợi không chỉ sự trỗi dậy của đất nước, mà cả sự trẻ hóa của nó -  như hãng thông tấn nhà nước đã nói, ý tưởng là rằng "Vương quốc Trung tâm" "được thiết lập để lấy lại sức mạnh của mình và bước lên lại đỉnh cao của thế giới."

Cường quốc muốn thay đổi hiện trạng thứ ba của Á-Âu, Iran, có truyền thống đế quốc của riêng họ: Đây là hậu duệ của cả Đế chế Ba Tư lẫn triều đại Pahlavi, cai trị cho đến năm 1979. Và mặc dù các ayatollah của Iran đã giành được quyền lực bằng cách lật đổ Pahlavis, họ đang cố gắng hồi sinh một số ảnh hưởng cũ của nó.

Mankoff viết,  các nhà cai trị Tehran,  hình dung ra một "Iran vĩ đại hơn" bao gồm "không chỉ Mesopotamia mà còn cả vùng Kavkaz cùng phần lớn Trung và Nam Á". Điều này không đòi hỏi phải khẳng định quyền kiểm soát chính trị hoặc quân sự trực tiếp đối với khu vực -  Iran quá yếu để làm được điều này. Thay vào đó, Tehran đang xử dụng các lực lượng ủy nhiệm, các lực lượng hoạt động đặc biệt và các công cụ bất đối xứng khác,  để làm suy giảm chủ quyền của các nước láng giềng,  và định hình các sự kiện từ Yemen đến Levant. Trong khi đó, Iran đang phát triển các công cụ quân sự, từ tên lửa đạn đạo đến chương trình hạt nhân tân tiến, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nỗ lực thống trị khu vực bằng cách giúp đẩy các đối thủ ra khỏi khu vực;  cụ thể là Mỹ và Israel.

Mỗi đế chế đều có ý thức hệ của nó, và có một thành phần tôn giáo mạnh mẽ trong dự án của Iran. Trong những năm sau cuộc cách mạng Iran, Ayatollah Ruhollah Khomeini khẳng định rằng,  một phong trào Hồi giáo mang phước lành của Allah "không thể tự giới hạn ở bất kỳ quốc gia cụ thể nào". Ngày nay, Iran đã trở thành kẻ thù của phần lớn thế giới Hồi giáo, nhưng vẫn tuyên bố địa vị đứng đầu đối với dân số Shiite của thế giới Hồi giáo. Nhà sử học Kelly Shannon viết,  Iran hiện đại "luôn coi mình là quê hương của các đế chế vĩ đại một thời" -  một sự tự nhận thức tiếp tục củng cố chính sách đối ngoại hiện nay của nước này.

Người Mỹ có quyền gì để phàn nàn về điều này? Xét cho cùng, ảnh hưởng mà Nga, Iran và Trung Quốc đang tìm kiếm là khá khiêm tốn so với ảnh hưởng mà chính Mỹ có được.

Vấn đề thực sự là không phải tất cả các hình thức đế chế đều được tạo ra như nhau. Đế chế Mỹ hầu như không có tội lỗi, nhưng dù sao nó cũng đã giúp làm cho thế giới tự do và thịnh vượng hơn bao giờ hết. Một thế giới của các đế chế chuyên chế đang trỗi dậy sẽ không đẹp như vậy - và chúng ta hiện đang nhận được những lời nhắc nhở theo thời gian thực về việc các đế chế đang được tạo ra như vậy,  có thể gây đẫm máu và tàn bạo như thế nào.

Là một phần trong cuộc tìm kiếm đế chế của Putin, Nga đang phá hủy Ukraine và đang đối xử hung bạo với dân chúng của nó. Như cuộc tấn công kinh hoàng của Hamas vào ngày 7/10 và hậu quả của nó đã chứng minh, Iran và các lực lượng ủy nhiệm của họ đã nhiều lần khiến Trung Đông rơi vào hỗn loạn. Dự án tân đế quốc của Trung Quốc liên quan đến việc đàn áp tàn nhẫn người Duy Ngô Nhĩ.  Nếu Bắc Kinh cố gắng xử dụng vũ lực để hoàn thành tham vọng của nó - ví dụ như bằng cách kiểm soát Đài Loan - nó có thể gây ra một cuộc chiến tranh Trung-Mỹ thảm khốc.

Những nỗ lực thiết lập đế chế của thế kỷ 21 gây nguy hiểm cho trật tự tự do của Mỹ,  bằng cách đe dọa hồi sinh một thế giới mà trong đó các đế chế mở rộng và chinh phục dưới những hình thức bạo lực, cưỡng bức hơn. Tuy nhiên, chúng cũng đe dọa sẽ mang lại phản ứng ngược cho chính các đế chế đó trong tương lai.

Trong những năm gần đây, sự quyết đoán của Bắc Kinh đã khiến Trung quốc bị vây quanh bởi một vòng tròn kẻ thù ngày càng rộng lớn, và kích động các hạn chế về công nghệ và thương mại của Mỹ và các đồng minh,  vốn đe dọa làm suy yếu sự tăng trưởng của Trung Quốc trong tương lai.  Ngay cả khi Putin cuối cùng chiếm được toàn bộ khu vực Donbas của Ukraine,  y sẽ phải trả một cái giá hoàn toàn không tương xứng với bất kỳ lợi ích nào mà y nhận được,  từ việc cai trị đống đổ nát của nó. Nỗ lực của Iran dành cho đế chế đã dẫn đến các lệnh trừng phạt, cô lập và sự khốn khổ kinh tế, đó là một lý do tại sao mà một chế độ đầy tham vọng ở nước ngoài đã phải chịu đựng các vòng lặp nổi dậy một cách định kỳ ở trong nước của họ.

Thật dễ chịu khi nghĩ rằng ký ức lịch sử khiến cho chúng ta khôn ngoan hơn. Nhưng trên khắp lục địa Á-Âu, các nhà cai trị và các chế độ không thể từ bỏ các di sản đế quốc vốn đang gây ra cho thế giới và người dân của họ, rất nhiều tai họa.

_ Hal Brands là nhà bình luận của Bloomberg Opinion và là Giáo sư xuất sắc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp của Đại học Johns Hopkins.

_ Trần H Sa lược dịch từ Bloomberg.... 15/04/2024.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.