'Cú sốc Nixon' có thể giúp chúng ta hiểu được cú sốc Trump.

Các sự kiện năm 1971 đã mở ra kỷ nguyên tài chính hiện đại.

Tổng thống Richard Nixon phát biểu trước Quốc hội để giải thích chính sách kinh tế mới của ông vào năm 1971 © AP
Tổng thống Richard Nixon phát biểu trước Quốc hội để giải thích chính sách kinh tế mới của ông vào năm 1971 © AP

Tác giả Huw van Steenis ... 13/4/2025. ...Financial Times.

Hậu quả tài chính dài hạn bởi thuế quan của Trump sẽ là gì? Chúng ta có thể đang trong thời gian tạm dừng 90 ngày nhưng câu hỏi vẫn cấp bách. Nhìn lại kinh nghiệm của Richard Nixon năm 1971 có thể giúp các nhà đầu tư hiểu được điều gì có thể xảy ra tiếp theo.

Chắc chắn các sự kiện gần đây có một số điểm chung với "cú sốc Nixon", xảy ra khi tổng thống hồi đó đã đưa đồng đô la ra khỏi bản vị vàng, áp dụng mức thuế nhập khẩu 10 phần trăm và đưa ra các biện pháp kiểm soát giá cả tạm thời. Việc này - tháo neo của chế độ - đã dẫn đến một giai đoạn bất ổn và bất định của kinh tế toàn cầu. Nó không chỉ gây ra sự mất niềm tin trong kinh doanh mà còn dẫn đến tình trạng lạm phát đình đốn. Các biện pháp kiểm soát giá cả và tiền lương của Nixon đã bị phản tác dụng một cách ngoạn mục, gây ra tình trạng thiếu hụt sản phẩm và góp phần thúc đẩy vòng xoáy giá lương. Toàn bộ sự kiện này là một yếu tố quan trọng góp phần vào tình trạng lạm phát khổng lồ của những năm 70.

Giống như thuế quan của Trump, thuế quan của Nixon được đưa ra để buộc các quốc gia thay đổi các điều khoản thương mại nhằm giúp giảm thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ. Mối quan tâm lớn nhất của ông là Nhật Bản và Đức. "Triết lý của tôi, thưa Tổng thống, là tất cả người ngoại quốc đều muốn lừa phỉnh chúng ta và nhiệm vụ của chúng ta là lừa phỉnh họ trước", Bộ trưởng Tài chính John Connally đã nói với ông Nixon.

Trong thế giới chịu ảnh hưởng của thị trường siêu tài chính ngày nay, chúng ta đã thấy rằng thị trường trái phiếu có thể buộc các chính trị gia phải hành động nhanh hơn nhiều. Vào năm 1971, phải mất bốn tháng trước khi thuế quan của Nixon được gỡ bỏ thông qua thỏa thuận Smithsonian. Nhưng cú sốc đã đủ để thúc đẩy những thay đổi phi thường trong tài chính, dẫn đến việc tạo ra các công cụ mới để đặt cược vào hướng đi của lãi suất, và phòng ngừa rủi ro tiền tệ, bao gồm cả hợp đồng tương lai và quyền chọn FX. 

Nỗi đau của tình trạng lạm phát đình đốn trong hệ thống ngân hàng đã thúc đẩy một sự thay đổi lớn trong hành vi tài chính và quy định tài chính. Các nhà đầu tư đã chuyển hướng phân bổ tài sản sang vàng và tài sản thực, để bảo toàn giá trị. Trong khi đó, các công ty và người gửi tiền ngày càng chuyển hoạt động của họ từ ngân hàng sang thị trường trái phiếu. Tỷ lệ cho vay của ngân hàng trên tổng số tiền vay trong nền kinh tế đã giảm kể từ đó. Tóm lại, tài chính hiện đại đã được hình thành vào đầu những năm 1970. 

Cũng có những điểm tương đồng đối với các quốc gia bên ngoài Hoa Kỳ hiện đang lo lắng về thuế quan. Quay trở lại năm 1971, cũng có sự đối xử tệ bạc đối với các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ. Nixon đánh thuế Canada bất chấp đồng tiền của nước này đã thả nổi. Giống như Thủ tướng Mark Carney ngày nay, người Canada đã không lùi bước và cuối cùng thuế quan đã được gỡ bỏ. Thậm chí còn có thể tệ hơn: Connally cũng muốn Hoa Kỳ rút khỏi một hiệp ước lâu đời với Canada về ô tô và phụ tùng ô tô. Nhưng Paul Volcker đã sửa chữa điều đó, theo hồi ký của ông, bằng cách xấc xược khuyến khích một viên chức Bộ Ngoại giao xé trang cuối cùng của mọi thông cáo báo chí có đề cập đến điều đó. 

Cuối cùng, nhu cầu ổn định quan hệ quốc tế với các đồng minh đã giúp thay đổi cán cân ra khỏi thuế quan. Henry Kissinger, khi đó là cố vấn an ninh quốc gia, "ngày càng lo ngại về tác động bất ổn của một cuộc đối đầu kéo dài trên  các mối quan hệ đồng minh". 

Nixon cũng gây áp lực to lớn lên Fed về chính sách tiền tệ mở rộng để bù đắp cú sốc. William Safire, người viết bài phát biểu của Nixon, kể lại cách chính quyền duy trì một luồng rò rỉ ẩn danh để gây áp lực lên chủ tịch Fed Arthur Burns, bao gồm cả việc đưa ra một đề xuất mở rộng quy mô của Cục Dự trữ Liên bang, để Nixon có thể đưa vào ủy ban những thành viên mới ủng hộ ông.

Cuối cùng, thuế bốn tháng của Nixon có thể đã giúp tạo điều kiện cho việc định giá lại đồng đô la, nhưng nó không đạt được mục tiêu mong muốn và không có tác động rõ rệt đến hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, những cú sốc kinh tế của động thái này đã lan rộng trong nhiều thập kỷ. Ngay cả việc tạo ra đồng euro cũng bắt nguồn từ nó. Liệu một đồng euro kỹ thuật số hay thị trường vốn châu Âu sâu hơn có phải là tiếp theo hay không? Vẫn chưa rõ ràng nhưng lịch sử cho thấy hậu quả từ cú sốc mới nhất này sẽ còn kéo dài trong nhiều năm tới.

------------------
_ Tác giả Huw van Steenis là phó chủ tịch tại Oliver Wyman và là cựu giám đốc toàn cầu về ngân hàng và nghiên cứu tài chính đa dạng tại Morgan Stanley.

_ Trần HSa lược dịch từ FinNCIl Times. .. 14/4/2025.


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trận hải chiến Hoàng Sa 1974.

Trump thay đổi chiến thuật, quay lại chính sách "một Trung Quốc" trong cuộc điện đàm với Xi.

Chiến lược toàn cầu 2021: Chiến lược của đồng minh dành cho Trung Quốc. PHẦN II.