Yếu tố lịch sử trong những bằng chứng tranh chấp ở biển Đông.

Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613.


Những Bằng chứng Không Đáng tin và vấn đề Biển Đông, phần I

Bill Hayton. Theo Viet-studies

TÓM TẮT

Trong những năm qua đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông, nhưng có rất ít tác phẩm nghiên cứu về yếu tố lịch sử của tranh chấp. Hầu hết các tác phẩm đều dựa vào một số ít các công trình nghiên cứu trong những năm 1970, 1980. Các tác phẩm này chỉ phản ánh kiến thức về vấn đề Biển Đông tại thời điểm đó. Hệ quả là bây giờ những tranh cãi về Biển Đông được đóng khung trong các thông số được thiết lập cách đây đã 40 năm. Tuy nhiên tìm hiểu một cách cẩn thận những tác phẩm đầu tiên này cho thấy đây là những nghiên cứu không dựa trên những nguồn tài liệu gốc cũng như không dựa trên bối cảnh lịch sử.

GIỚI THIỆU

Công trình nghiên cứu đầu tiên bằng tiếng Anh về tranh chấp Biển Đông được ra đời sau khi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa chiếm đóng phía tây của Quần đảo Hoàng Sa năm 1974, và số lượng các công trình nghiên cứu cũng lên xuống cùng với diễn biến của tranh chấp. Đợt sóng mới nhất diễn ra sau khi Mỹ công bố chiến lược "xoay trục” tới Châu Á năm 2011. Kể từ đó, số lượng các công trình nghiên cứu, báo cáo của các viện nghiên cứu và các tác phẩm báo chí về Biển Đông đã gia tăng chóng mặt. Phần lớn trong số đó đề cập tới những diễn biến trong tranh chấp và chỉ điểm sơ qua về lịch sử của tranh chấp. Một số ít nghiên cứu thì đi sâu hơn một chút. Tuy nhiên, tất cả những tác phẩm này đều dựa vào bối cảnh lịch sử được đề cập trong số ít bài nghiên cứu và sách. Đáng lo ngại, tìm hiểu kĩ càng những nghiên cứu này cho thấy đây là những cơ sở không đáng tin cậy để dựa vào đó mà viết về lịch sử của Biển Đông.

Ai kiểm soát quá khứ sẽ điều khiển tương lai

Những bằng chứng không đáng tin cậy này đang phủ một lớp mây mù lên những cuộc tranh cãi về vấn đề Biến Đông. Nó làm sai lệch đi những đánh giá về tranh chấp ngay ở cấp cao của chính phủ - ở cả Đông Nam Á và Mỹ. Tôi sẽ sử dụng 3 ấn phẩm gần đây để chứng minh cho lập luận của mình: 2 bài "Bình luận” trong năm 2014 của Trường Nghiên cứu Quốc tế s. Rajaratnam, Singapore, được viết bởi học giả Trung Quốc Li Dexia và học giả Singapore Tan Keng Tat (1) , một bài thuyết trình của cựu Phó Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Charles Freeman, tại Đại học Brown (2) , và một công trình nghiên cứu trong năm 2014 của ông Pete Pedrozo thuộc Trung tâm Nghiên cứu Hải quân (Center for Naval Analyses - CNA) có trụ sở tại Mỹ. (3)

Điều đáng chú ý của những công trình nghiên cửu này - và chúng chỉ là số ít ví dụ của số lượng đồ sộ các công trình học thuật về Biển Đông - đó là chúng phụ thuộc vào các tài liệu lịch sử đã được xuất bản từ nhiều năm trước, gồm có: một số nhỏ các nghiên cứu được xuất bản trong những năm 70, đáng chú ý là một tác phẩm của Hungdad Chiu và Choon-Ho Park (4) ; cuốn sách của Marwyn Samuels năm 1982 có tên Contest fo r the South China Sea (Giao tranh tại Biển Đông) (5) ; cuốn sách của Greg Austin năm 1998 có tên China's Ocean Frontier (Biên giới Đại dương của Trung Quốc) (6) và hai bài nghiên cứu của Jianming Shen được công bố năm 1997 (7) và 2002 (8).

Những tác phẩm này đã hình thành "nhận thức thông thường” về tranh chấp Biển Đông. Google Scholar tính toán rằng tác phẩm của Chiu và Park đã được trích dẫn trong 73 bài nghiên cửu khác, và con số dành cho cuốn sách của Samuels là 143. Những tác phẩm trích dẫn bài viết của các tác giả trên bao gồm một công trình của Brian Murphy năm 1994 (9) và các công trình của Ịianming Shen trong các năm 1997 và 2002. Sau đó hai tác phẩm của Shen cũng được các tác giả khác trích dẫn, cụ thể là 34 trích dẫn cho tác phẩm năm 1997 và 35 trích dẫn cho tác phẩm 2002. Đặc biệt, tác giả Chi-kin Lo cũng trích dẫn các tác phẩm của Jianming Shen trong cuốn sách của mình được ấn bản năm 1989, cuốn sách này sau đó được trích dẫn trong 111 công trình của các tác giả khác. (10) Hầu hết các diễn giải lịch sử trong cuốn sách của Lo đều dựa vào tác phẩm của Samuels, cụ thể Lo đánh giá cao Samuels bởi đã "xử lý tỉ mỉ các dữ liệu lịch sử" (tr. 16). Đại tá (đã về hưu) Michael McDevitt, trong phần lời nói đầu mà ông viết lời giới thiệu cho Bài nghiên cứu của CNA, đã nói rằng cuốn sách Giao tranh tại Biển Đông "vẫn còn rất nhiều giá trị sau 40 năm".

Đây là những nỗ lực đầu tiên nhằm giải thích lịch sử của tranh chấp đối với người đọc sử dụng tiếng Anh. Các tác phẩm này có cùng một số đặc điểm chung:
  • Chúng được viết bởi những chuyên gia về luật quốc tế hay khoa học chính trị chứ không phải bởi các nhà sử học hàng hải trong khu vực.
  • Chúng thường thiếu đi trích dẫn từ các nguồn tài liệu gốc.
  • Chúng có xu hướng dựa vào các nguồn từ truyền thông Trung Quốc mà trong đó không có trích dẫn tới các chứng cứ ban đầu hay các tác phẩm dựa trên những chứng cứ này.
  • Chúng có xu hướng trích dẫn các bài báo từ nhiều năm trước làm bằng chứng thực tế.
  • Chúng thường thiếu các thông tin về bối cảnh lịch sử
  • Chúng được viết bởi các tác giả có mối liên hệ rõ ràng tới Trung Quốc.
Những công trình ban đầu về tranh chấp Biển Đông

Các tác phẩm viết bằng tiếng Anh về tranh chấp Biển Đông xuất hiện ngay sau "Hải chiến Hoàng Sa" diễn ra vào tháng 1/1974, khi quân đội của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đánh bật lực lượng của Việt Nam Cộng hoà ('Nam Việt Nam’) khỏi phía tây của quần đảo này. Những phân tích đầu tiên là các tác phẩm báo chí, trong đó có một bài của Cheng Huan, một người Malayisa gốc Hoa, tại thời điếm đó là sinh viên luật tại London, và hiện giờ là một chuyên gia pháp lý có tiếng tại Hồng Kông. Đó là bài báo xuất hiện trên tờ Far Eastern Economic Review vào tháng ngay sau khi xảy ra vụ việc. (11) Trong bài báo đó, ông cho rằng "yêu sách lịch sử của Trung Quốc (đối với quần đảo Hoàng Sa) đã được ghi chép rõ ràng và đã có từ lâu đời kể từ thời cổ đại, và không một quốc gia nào có thể phản đối yêu sách này.” Nhận định của một sinh viên còn rất trẻ này đã được trích dẫn trong cuốn sách có tên 'China's Policy Towards Territorial Disputes' của tác giả Chi-Kin Lo ấn bản năm 1989. (12 ) Phân tích đáng chú ý tiếp theo xuất hiện trong một bài báo của John F. Copper trên China Report số ấn bản tháng 5-6/1974. (13)

Những công trình học thuật đầu tiên được ra đời vào năm sau đó. Chúng bao gồm một bài nghiên cứu của Tao Cheng cho tờ Texas International Law Journal (14) và một bài phân tích khác của Hungdah Chiu và Choon-Ho Park cho tờ Ocean Development & International Law (15). Năm 1976, Viện Nghiên cứu Châu Á tại Hamburg xuất bản tập chuyên khảo của một học giả Đức - Dieter Heinzig, có tên 'Disputed islands in the South China Sea’ (Các quần đảo tranh chấp tại Biển Đông) .(16) Đây là những bài viết có tính tiên phong nhưng nguồn tài liệu mà họ sử dụng - và do đó cả những phân tích của họ - không hề có tính trung lập.

Bài nghiên cứu của Cheng dựa chủ yếu vào các nguồn tài liệu của Trung Quốc cùng với thông tin từ truyền thông Mỹ. Những nguồn tài liệu chính của Trung Quốc, là các tạp chí thương mại, cụ thể là 2 ấn bản đáng chú ý của tờ Wai Jiao Ping Lun [Wai Chiao Ping Lun] (Foreign Affairs Review) có trụ sở tại Thượng Hải vào năm 1933 và 1934 và của tờ Xin Ya Xiyayue kan [Hsin-ya-hsi-yayueh kan] (New Asia Monthly) vào năm 1935. Chúng được bổ sung với những thông tin từ tạp chí tin tức có tên Ming Pao Monthly có trụ sở tại Hồng Kông trong những năm 1973 và 1974. Một số báo khác được trích dẫn bao gồm Kuo Wen Chou Pao (National News Weekly), được xuất bản tại Thượng Hải trong thời gian từ 1924 tới 1937, Renmin Ribao \Jen Ming Jih Pao](People's Daily) và tờ New York Times.

Học giả Cheng không đề cập gì tới các nguồn tài liệu của Pháp, Việt Nam hay Philippines ngoại trừ một bài báo được ấn bản năm 1933 của tờ La Geographie mà đã được dịch và in lại trên tờ Wai Jiao Ping Lun. Công trình của Hungdah Chiu và Choon-Ho Park cũng dựa vào những nguồn tương tự. Trong những đoạn viết đáng chú ý, các tác giả này đã trích dẫn dẫn chứng dựa trên những bài báo được xuất bản năm 1933 của tờ Wai Jiao Ping Lun (17) và tờ Wai Jiao Yue Bao [Wai-chiao yiieh-pao] (Diplomacy monthly), (18) và bài báo được xuất bản năm 1934 của tờ Fan-chih yueh-k'an [Geography monthly] (19) cũng như bài báo được xuất bản năm 1933 của tờ Kuo-wen Chou Pao [National news weekly] và bài báo của tờ báo thuộc sự quản lý của Chính phủ có tên Waichiao-pu kung-pao, [Gazette of the Ministry of Foreign Affairs]. (20) Công trình của Chiu và Park bổ sung thông tin này với tài liệu được thu thập từ một ấn phẩm của tác giả Cheng Tzu-yủeh, được xuất bản tại Thượng Hải năm 1948, cuốn sách Các ghi chép chung về địa lý của các đảo phía Nam) (21) và các tuyên bố của chính phủ Đài Loan trong những năm 1956 (22) và 1974 (23).

Hai học giả Chiu và Park cũng sử dụng một vài nguồn tham khảo của Việt Nam, đáng chú ý là 8 thông cáo báo chí và bản tóm lược của Đại sứ quán Việt Nam Cộng hoà tại Washington. Họ cũng đề cập tới "một vài tài liệu chưa từng được công bố thuộc sở hữu của tác giả”. Tuy nhiên, phần lớn nguồn mà họ sử dụng vẫn tới từ truyền thông Trung Quốc. Trong công trình ra đời một năm sau đó, Dieter Heinzig dựa vào các ấn bản của hai tờ báo có trụ sở tại Hồng Kông có tên Ch'i-shih nien-tai (Seventies Monthly) (số ra tháng 3/1974) và Ming Pao Monthly (24)(số ra tháng 5/1974). Điều đáng chú ý là tất cả những công trình nghiên cứu có vai trò nền móng này đều sử dụng nguồn tham khảo chủ yếu từ các bài báo của truyền thông Trung Quốc được ấn bản tại thời điểm mà các tranh cãi về vấn đề Biển Đông đang trong giai đoạn bị chính trị hoá. 1933 là năm mà Pháp chính thức sáp nhập các thực thể tại Quàn đảo Trường Sa - hành động đã gây ra sự phẫn nộ rộng khắp tại Trung Quốc, 1956 là năm mà một thương nhân Philippines, Tomas Cloma, tuyên bố hầu như toàn bộ Quần đảo Trường Sa thuộc về quốc gia độc lập riêng của ông có tên 'Freedomland' - động thái này đã khiến Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam Cộng hoà lên tiếng phản đối; và 1974 là năm xảy ra Hải chiến Hoàng Sa. Các bài báo được ấn bản trong 3 giai đoạn đó không thê được xem như là các nguồn phản ánh bằng chứng thực tế một cách trung lập và không thiên vị. Đúng hơn, chúng nên được xem như những bài viết ủng hộ một số quan điểm quốc gia cụ thể. Điều này không có ý cho rằng tất cả những bài viết này đều là không chính xác, nhưng chúng ta cần phải kiểm chứng chúng với nguồn tài liệu gốc. Đây là điều mà những tác giả này đã không làm.

Mô thức mà Cheng, Chiu và Park và Heinzig đưa ra sau đó được lặp lại trong cuốn sách Contest for South China Sea của Marwyn Samuels. (25) Bản thân tác giả Samuels cũng thừa nhận sự thiên vị dành cho Trung Quốc trong nguồn tư liệu được sử dụng cho cuốn sách. Trong phần giới thiệu, ông nói rằng "đây không phải là công trình nghiên cứu về lịch sử hàng hải của Việt Nam hay Philippines, hay về chính sách đại dương hay lợi ích ở Biển Đông. Đúng hơn, ngay cả khi những yêu sách trái ngược nhau được xem xét kĩ càng, mối quan tâm ở đây là tính chất thay đổi trong chính sách đại dương của Trung Quốc." Cùng với những vấn đề đó, Samuels thừa nhận rằng các công trình nghiên cứu Châu Á của ông chủ yếu dựa vào kho lưu trữ của Đài Loan. Tuy nhiên, những hồ sơ quan trọng liên quan đến các động thái của Đài Loan tại Biển Đông trong những năm đầu thế kỷ 20 chỉ được giải mật hồi năm 2008/9, rất lâu sau khi tác phẩm của ông được xuất bản. (26)

Vào cuối những năm 1990, có thêm một đợt sóng bùng nổ các tác phẩm về lịch sử của tranh chấp Biển Đông. Năm 1996, Daniel Dzurek, cựu nhân viên Ban Địa lý của Bộ Ngoại giao Mỹ - người sau đó đã trở thành nhà tư vấn trong lĩnh vực dầu mỏ - đã viết một bài nghiên cứu cho Đơn vị Nghiên cứu Biên giới Quốc tế của Đại học Durham; và năm 1998, nhà phân tích người úc Greg Austin cũng cho ra đời một cuốn sách về Biển Đông. Chương viết về lịch sử trong cuốn sách của Austin có đề cập tới cuốn sách của Samuels, công trình nghiên cứu của Chiu và Park, và một văn bản được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra vào tháng 1/1980 có nhan đề 'chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc đối với Quàn đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Hoàng Sa) (’27 ) và một bài báo của Lin Jinzhi trên tờ People’s Daily. (28) Tác phẩm của Dzurek cũng tương tự.

Đóng góp đáng kể tiếp theo là của Jianming Shen, một luật sư người Mỹ gốc Trung Quốc có tham gia cộng tác với Trường Đại học Luật St. John's tại New York. Năm 1997, ông viết một bài báo đáng chú ý trên tờ Hastings International and Comparative Law Review. Giống như tờ Texas International Law Journal, tờ Review là một ấn bản do sinh viên biên tập. Có lẽ không cần phải nói rằng một ban biên tập gồm toàn chỉ những sinh viên luật sẽ không thể là cơ quan có năng lực tốt nhất để đánh giá các công trình nghiên cứu về lịch sử hàng hải tại Châu Á. Sau bài báo đó, Shen có thêm một bài báo trên một tạp chí có uy tín hơn, tờ Chinese Journal of International Law - mặc dù nhiều phần trong bài báo đó chỉ đơn giản là dẫn lại từ bài báo đầu tiên.

Hai bài báo của Shen đã có ảnh hưởng đặc biệt rộng rãi - ví dụ, công trình nghiên cứu năm 2014 của CNA đã trích dẫn ít nhất 170 lần. Tuy nhiên, qua kiểm chứng, nguồn của học giả Shen cũng mù mờ như nguồn của những học giả trước đó. Phần viết về lịch sử trong đó cung cấp bằng chứng cho công trình nghiên cứu năm 1997 của ông dựa chủ yếu vào 2 nguồn. Một là cuốn sách được biên tập bởi Duanmu Zheng có tên Guoji Fa (International Law) được xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh năm 1989 (được trích dẫn ít nhất 18 lần). (29) Nhưng Duanmu không phải là một nhà sử học trung lập. Năm 1990 ông trở thành thẩm phán có vị trí quan trọng số 2 ở Trung Quốc: Phó Chánh án Toá án Nhân dân Tối cao Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa - và sau đó là một trong những nhà soạn thảo Luật Cơ bản Hồng Kông. (30) Nói cách khác, ông đã từng là quan chức cấp cao của Trung Quốc. Tất cả các chú thích tới Guoiji Fa trong công trình của Shen đều trích dẫn tới trang 155 và 156 của cuốn sách. Hai trang này không hề trích dẫn các nguồn tài liệu gốc; đó chỉ là những ghi chép từ một câu chuyện chưa được chứng thực. Đáng chú ý là 18 năm sau công trình nghiên cứu của Shen, không tác giả nào kiểm chứng trích dẫn này cả - nhưng họ lại sử dụng bài nghiên cứu này mà không hề có một lưu ý nào về điều đó.

Nguồn sử liệu quan trọng khác của Shen đó là một bộ các giấy tờ từ Hội nghị chuyên đề về Các quần đảo tại Biển Đông được tổ chức vào năm 1992 bởi Viện Chiến lược Phát triển Biển, trực thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc (SOA) (được trích dẫn ít nhất 11 lần). Trớ trêu thay khi mà tư liệu của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc và của một nhân vật trong ngành tư pháp Trung Quốc sau đó đã được sử dụng trong các công trình của Giáo sư Shen, và hiện giờ lại được Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA) sử dụng, mà đây lại là một trong những cơ quan cung cấp thông tin về lịch sử Biển Đông cho Lầu Năm Góc.

Không ai trong sổ các tác giả kể trên là chuyên gia về lịch sử hàng hải tại Biển Đông. Thay vào đó, họ chỉ là nhà khoa học chính trị (Cheng), nhà địa lý (Samuels), luật sư (Chiu và Park và Shen) hay chuyên gia về quan hệ quốc tế (Heinzig và Austin). Thông thường, trong các tác phẩm của mình, họ không kiểm chứng mức độ chân thực trong các văn bản được họ trích dẫn, họ cũng không đề cập gì tới bối cảnh ra đời của những văn bản đó. Cụ thể, Cheng và Chiu và Park sử dụng cách phân loại không phù hợp với bối cảnh lịch sử - chẳng hạn như họ dùng từ "quốc gia” để mô tả mối quan hệ trước thời kỳ hiện đại giữa các thực thể chính trị tại Biển Đông - đây là giai đoạn mà quan hệ chính trị hoàn toàn khác biệt so với thời điểm hiện tại. Cũng đáng chú ý là Cheng, Chiu và Shen đều là người gốc Trung Quốc. Cheng và Shen đều tốt nghiệp cử nhân luật tại Đại học Bắc Kinh. Chiu tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Đài Loan. Dĩ nhiên, điều này không đương nhiên dẫn tới kết luận rằng họ có sự thiên vị, nhưng chúng ta có lý do đế cho rằng họ sẽ quen thuộc hơn với các văn bản cũng như quan điểm của Trung Quốc. Cả Samuels và Heinzig cũng là học giả Trung Quốc.

1    2

_ Ghi Chú :

1 Li Dexia và Tan Keng Tat, South China Sea Disputes: China Has Evidence of Historical Claims. RSIS Commentary 165 ngày 1 5 /8 /2 0 1 4 . Xem tại http://www.rsis.edu.sg/wpcontent/uploads/2 0 1 4 /0 8 /C014165.pdf. Xem thêm Li Dexia, Xisha (Paracel) Islands: Why China’s Sovereignty is ‘Indisputable’. RSIS Commentary 116 ngày 2 0 /6 /2 0 1 4 . Xem tại http://www.rsis.edu.sg/wD-content/uploads/2014/07/CQ14116.pdf
2 Charles Freeman, Diplomacy on the rocks. Remarks at a Seminar of the Watson Institute for International Studies, Đại học Brown, ngày 1 0 /4 /2 0 1 5 . http://chasfreeman.net/diplomacv-onthe-rocks-china-and-other-claimants-in-the-south-china-sea/
3 Pete Pedrozo, China versus Vietnam: An Analysis of the Competing Claims in the South China Sea, Center for Naval Analyses, tháng 8/2014. Xem tại http://www.cna.org/sites/default/files/research/I0P-2014-U-008433.pdf
4 Hungdah Chiu & Choon-Ho Park (1975): Legal status of the Paracel and Spratly Islands, Ocean Development & International Law, 3:1,1-28
5 Marwyn s. Samuels, Contest for the South China Sea, Methuen New York, 1982.
6 Greg Austin, China's Ocean Frontier: International Law, Military Force, and National Development. Allen & Unwin, 1998
7 Jianming Shen, International Law Rules and Historical Evidence Supporting China’s Title to the South China Sea Islands, 21 Hastings International and Comparative Law Review. 1-75 (1997-1998)
8 Jianming Shen, China’s Sovereignty over the South China Sea Islands: A Historical Perspective, CHINESE JIL (2002), tr. 94-157
9 Brian K. Murphy, Dangerous Ground: the Spratly Islands and International Law, Ocean and Coastal L.]. (1994), tr. 187-212
10 Chi-kin Lo, China's Policy Towards Territorial Disputes: The Case of the South China Sea Islands. Routledge 1989
11 Cheng Huan, A matter of legality. Far Eastern Economic Review. Tháng 2 /1 9 7 4
12 Chi-Kin Lo, China's Policy Towards Territorial Disputes. Routledge, London. 1989
13 John F. Copper, China’s claims to South China Sea islands - China Report Vol 10 No. 3 May-June 1974, tr. 10-16
14 Tao Cheng, Dispute over the South China Sea Islands, Texas International Law Journal 265 (1975)
15 Chiu & Park (1975), đã dẫn
16 Dieter Heinzig. 'Disputed islands in the South China Sea: Paracels, Spratlys, Pratas, Macclesfield Bank’ Institut fur Asienkunde (Hamburg). 1976
17 Wai-chiao p'ing-Iun [The foreign affairs review], Shanghai, vol. 2, no. 10 (October 1933), tr. 64-65
18 Wai-chiaoyiieh-pao [Diplomacy monthly], vol 3, no. 3 (Peiping [Peking], September 15,1933), tr.7 8
19 Fan-chihyiieh-k'an [Geography monthly], vol. 7, no. 4 (Nanking, April 1,1934), tr. 2.
20 Wai-chiao-pu kung-pao, [Gazette of the Ministry of Foreign Affairsl vol 6, no. 3 fjulySeptember 1933), tr. 208
21 Cheng Tzu-yiieh, Nan-hai chu-tao ti-li chih-lũeh [General records on the geography of southern islands] (Shanghai: Shang-wu ying-shu-kuan, 1948).
22 Thông báo của Bộ Ngoại giao Đài Loan vào ngày 1 0 /6 /1 9 5 6 , đưự tóm tắt trong "Vietnamese Claim of Sovereignty Refuted," Free China Weekly, ngày 2 6 /6 /1 9 5 6 , tr. 3; Chung-yang jih-pao, ngày 1 1 /6 /1 9 5 6 , tr. 6; Shao Hsun-cheng, "Chinese Islands in the South China Sea," People's China, no. 13 (Peking, 1956) Foreign Languages Press.
23 Lien-ho-pao [United daily news], overseas edition, ngày 2 5 /2 /1 9 7 4 , tr. 3; "Memorandum on Four Large Archipelagoes," ROC Ministry of Foreign Affairs (Tháng 2/1974).
24 Ming Pao (yueh-k’an) No. 101 tháng 5 /1974
25 Marwyn s. Samuels, Contest for the South China Sea', Methuen, New York. 1982
26 Chris p.c. Chung, "Since Time Immemorial": China's Historical Claim in the South China Sea. MA Thesis, University of Calgary, tháng 9/2013. tr. 8
27 PRC Ministry of Foreign Affairs, China’s indisputable sovereignty over the Xisha and Nansha islands, Beijing Review Vol. 23 No.7 1980, tr. 15-24
28 Lin Jinzhi, Renmin Ribao (People's Daily) ngày 7 /4 /1 9 8 0 . FBIS-PRC-80-085 30 April 1980 tr. E6
29 Duanmu Zheng ed. Guoji Fa (International Law) Peking University Press, Beijing 1989
30 Đáng thú vị, Duanmu không phải là thành viên của Đảng Cộng sản, nhưng lại tham gia vào Liên minh Dân chủ Trung Quốc (China Democratic League). Colin Mackerras, The New Cambridge Handbook of Contemporary China. Cambridge University Press, 2001 ,tr.85.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.