VÙNG BIỂN QUAN TRỌNG NHẤT THẾ GIỚI. Phần I

Hơn ai hết, bốn người đàn ông - Trịnh Hòa, Hugo Grotius, Alfred Thayer Mahan và Norman Angell - thường được đề cập để giải thích cho việc định hình những “căng thẳng chiến lược” ở Biển Đông.

Ảnh của Atlantic

DANIEL YERGIN….NGÀY 16 THÁNG 12 NĂM 2020 Theo Defense One

Trần H Sa lược dịch.

Biển Đông là vùng biển quan trọng nhất đối với nền kinh tế thế giới — ít nhất một phần ba thương mại toàn cầu đi ngang qua nó. Đây cũng là vùng biển nguy hiểm nhất trên thế giới, nơi mà quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc dễ dàng va chạm nhất.

Các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ gần như không ngăn chặn được một số sự cố ở đó trong vài năm qua, và quân đội Trung Quốc đã cảnh báo về việc các máy bay phản lực của Mỹ bay phía bên trên bầu trời Biển Đông. Vào tháng 7, hai quốc gia đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân cạnh tranh trong vùng biển đó. Với cái được gọi là “cạnh tranh chiến lược” ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh, bóng ma về một tai nạn mà từ đó có thể gây ra một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn, khiến các nhà chiến lược ở cả hai thủ đô bận tâm.

Những căng thẳng này xuất phát từ sự bất đồng giữa hai quốc gia về việc liệu Biển Đông có phải là lãnh thổ của Trung Quốc hay không, một cuộc cãi vã nói lên việc tranh chấp sâu xa hơn về chủ quyền hàng hải, cách mà nó giải quyết vấn đề chủ quyền và các quyền đi lại cơ bản trong vùng biển đó.

Do đó, thế đối đầu trên Biển Đông có nhiều mức độ phức tạp. Nó không chỉ đơn giản là về một vùng biển, hay một ranh giới duy nhất. Như Tommy Koh, một nhà ngoại giao cao cấp của Singapore, người dẫn đầu các cuộc đàm phán để thành lập Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, đã nói với tôi, “Biển Đông là về luật pháp, quyền lực, tài nguyên và về lịch sử”.

Lịch sử đó đặc biệt bị ám ảnh bởi bốn bóng ma, những người đàn ông trong quá khứ từ nhiều thế kỷ trước, cái bóng của họ đã đổ xuống Biển Đông, những di sản của họ tạo nên sự cạnh tranh ngày càng sâu sắc trong khu vực; các nhân vật lịch sử này có cuộc đời và công việc của họ vốn đã định hình các tranh chấp về chủ quyền và tự do hàng hải, sự cạnh tranh của hải quân, cũng như chiến tranh và những cái giá phải trả của nó.

Trong quá trình viết cuốn sách của mình, ' Bản đồ mới ' , tôi bắt đầu nghĩ về những người đàn ông này. Khi tôi đang nói về những thách thức của toàn cầu hóa và thương mại quốc tế tại Trường Cao đẳng Chiến tranh của Hải quân Hoa Kỳ ở Newport, Rhode Island, các chỉ huy của hầu như tất cả các lực lượng hải quân trên thế giới đều có mặt ở đó, một nhóm đô đốc ưu tú, tất cả đều rạng rỡ trong những bộ quân phục của họ. Trong số đó có Đô đốc Wu Shengli, người đứng đầu lực lượng hải quân Trung Quốc vào thời điểm đó, và là người đang thúc đẩy sự mở rộng lực lượng để cạnh tranh với Hải quân Mỹ. Lúc đó Biển Đông đã trở thành tâm điểm tranh cãi. Wu ngồi ở giữa khán giả, ở hàng thứ năm hoặc thứ sáu gì đó, ánh mắt của ông ấy không hề thay đổi trong suốt buổi thuyết trình.

Khi tôi bắt đầu nói về những bóng ma : đó là nói về người đi biển vĩ đại nhất Trung Quốc, một tiền bối đã quá cố của Wu - nói về vị luật sư Hà Lan, người đã viết bản tóm tắt pháp lý mà hiện nay làm cơ sở cho lập luận của Mỹ chống lại các tuyên bố của Trung Quốc; nói về vị đô đốc Mỹ có triết lý đã tạo nền tảng cho cả Hải quân Hoa Kỳ và chủ nghĩa bành trướng hàng hải của Trung Quốc; và nói về nhà văn người Anh, người cho rằng cái giá phải trả cho các cuộc xung đột là quá cao, ngay cả đối với những người chiến thắng.

Đối với Trung Quốc hiện đại, các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông quay quanh trung tâm của cái được gọi là “đường chín đoạn” — theo nghĩa đen là gạch ngang, mà trên bản đồ của Trung Quốc, ôm lấy bờ biển của các quốc gia khác và bao gồm 90% vùng biển của Biển Đông. Bắt nguồn từ một bản đồ do một nhà vẽ bản đồ Trung Quốc vẽ vào năm 1936 để đáp lại điều mà Bắc Kinh gọi là “thế kỷ sỉ nhục”, đường chín đoạn là, theo Shan Zhiqiang, cựu biên tập viên tạp chí Địa lý Quốc gia Trung Quốc, “giờ đây đã khắc sâu trong trái tim và tâm trí của người dân Trung Quốc” . Học sinh Trung Quốc đã có nhiều thập niên được dạy rằng biên giới quốc gia của họ kéo dài hơn một ngàn dặm về phía bờ biển của Malaysia. Các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh được củng cố bởi các căn cứ quân sự mà họ đã xây dựng trong những năm gần đây, trên các hòn đảo nhỏ xíu và trên 3.200 mẫu đất khai lấp nằm rải rác giữa biển.

Bắc Kinh căn cứ vào tuyên bố “chủ quyền không thể chối cãi” của mình dựa trên lịch sử - như một bài luận quan điểm chính thức đã viết, “các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đã có từ hơn hai nghìn năm trước”. Những “tuyên bố lịch sử” này, theo cách nói của một chuyên gia tư vấn của chính phủ Trung Quốc, có “nền tảng trong luật pháp quốc tế, bao gồm luật tập tục về phát hiện, chiếm đóng và danh xưng có tính lịch sử”.

Hoa Kỳ trả lời rằng, theo luật pháp quốc tế, Biển Đông là một vùng biển mở - cái thường được gọi là “vùng hàng hải chung của Châu Á” - dành cho tất cả các quốc gia; đó là một quan điểm được chia sẻ bởi các quốc gia có biên giới với vùng biển, cũng như của Úc, Anh. và Nhật Bản. Vì vậy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết , Trung Quốc “không có cơ sở pháp lý” cho các yêu sách chủ quyền của mình ở biển Đông và “không có cơ sở pháp lý chặt chẻ” cho đường chín đoạn. Năm nay, một bài viết cho chính sách của chính phủ Hoa Kỳ lập luận “Yêu sách hàng hải của Trung Quốc gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với tự do trên biển trong thời hiện đại.”

Và điều này đưa chúng ta đến với bốn con ma.

Năm 1381, trong một trận chiến ở tây nam Trung Quốc, một cậu bé Hồi giáo bị quân lính của triều đại nhà Minh bắt giữ, bị thiến và đưa đến làm việc trong hoàng thất của Hoàng tử Zhu Di. Thời gian trôi qua, cậu bé - được đổi tên thành Trịnh Hòa - lớn lên trở thành thân tín của hoàng tử, và cuối cùng là một trong những nhà lãnh đạo quân sự tài ba nhất của Zhu.

Khi Zhu trở thành hoàng đế ( Minh Thành Tổ, ban đầu gọi là Minh Thái Tông, là vị hoàng đế thứ ba của Nhà Minh, tại vị từ năm 1402 đến năm 1424, THS) , xác định rằng Trung Quốc phải là một cường quốc hàng hải, ông đã ra lệnh mở một chiến dịch đóng tàu điên cuồng, tung ra những hạm đội khổng lồ với sức chở lên đến 30.000 người. Chúng vận chuyển nhiều loại hàng hóa của Trung Quốc và các loại vũ khí tiên tiến nhất thời đó — súng, súng thần công và tên lửa. Những con thuyền lớn nhất là những con tàu chở kho báu có sức chứa lớn gấp 10 lần so với những con thuyền mà Christopher Columbus làm thuyền trưởng đi đến Tân Thế giới gần một thế kỷ sau đó. Những chuyến đi của người Trung Quốc này kéo dài hai hoặc ba năm, với các hoạn quan chỉ huy mỗi hạm đội. Nhưng tổng chỉ huy, trên tất cả những người khác, là Trịnh Hòa. Cuối cùng, ông được biết đến với cái tên thái giám Tam bảo, nhằm tôn vinh “ba thứ quý báu”, là danh xưng cao nhất của tín ngưỡng Phật giáo dưới triều đại của Zhu.

Chuyến đi đầu tiên của Đô đốc Trịnh Hòa, vào năm 1405, được ra biển với một đội quân hơn 250 tàu, trong đó hơn 60 tàu chở kho báu. Tổng cộng Trịnh đã chỉ huy bảy chuyến đi, một số đi xa đến bờ biển phía đông của châu Phi, đến Kenya hiện nay. Trên đường đi, hạm đội của ông trao đổi hàng hóa và sản phẩm của Trung Quốc với người dân địa phương, đồng thời thể hiện sức mạnh và sự uy nghiêm của Trung Quốc - theo lời của Trịnh, “thể hiện rõ ràng sức mạnh thay đổi mọi thứ của đế quốc ưu việt”. Người ta có thể tưởng tượng tác động đối với những người trên bờ khi họ bắt gặp những hạm đội khổng lồ đang tiến vào, và đặc biệt là những con tàu chở kho báu khổng lồ, với những cánh buồm căng trên bầu trời, đôi mắt rồng dữ tợn được vẽ trên đầu của chúng, đang lao vào bờ với sự đe dọa.

Khi trở về Trung Quốc, các đội tàu của Trịnh Hòa không chỉ mang về rất nhiều sản phẩm và các món mới lạ - bao gồm đá quý, gia vị, lạc đà và đà điểu - mà còn cả những thủ lãnh và các đại sứ, những người sẽ tỏ lòng tôn kính và cống nạp trước hoàng đế. Đội tàu của Trịnh, như nhà sử học John Keay đã viết, cũng “chứng tỏ khả năng làm chủ hàng hải trên toàn bộ Ấn Độ Dương”.

Năm 1433, trong một chuyến hành trình cuối cùng trở về nước, băng qua Ấn Độ Dương — 9 năm sau cái chết của người bảo trợ, hoàng đế Zhu — Trịnh qua đời. Lực lượng hải quân lớn mà ông xây dựng đã không tồn tại được lâu với ông. Cuối cùng, theo lệnh của vị hoàng đế mới, hạm đội của Trung Quốc, với số lượng lên tới 3.500 tàu, đã bị đốt cháy. Các quan chức cho rằng chúng đang lãng phí tiền bạc cần thiết để chống lại sự xâm lấn của quân Mông Cổ ở phía bắc ( tất nhiên, họ cũng coi hải quân là cơ sở sức mạnh cho các đối thủ lớn của họ là các hoạn quan). Di sản của Thái giám Tam Bảo đã bị xóa khỏi lịch sử, ký ức về những kỳ tích vượt biển của ông gần như bị xóa sạch.

Dù vậy, khi Trung Quốc một lần nữa quay ra biển vào thế kỷ 21, Trịnh đã được hồi sinh như một biểu tượng của mối quan hệ giao thương và gắn kết truyền thống của Trung quốc với Đông Nam Á và Nam Á - và là “nhân vật hàng hải đỉnh nhất” trong lịch sử quốc gia. Vị đô đốc được tưởng niệm vào năm 2009 với một loạt phim được chiếu rộng rãi trên truyền hình Trung Quốc, và vào năm 2005, nhân kỷ niệm 600 năm chuyến đi đầu tiên của ông, một bảo tàng dành riêng cho ông trị giá 50 triệu USD đã được mở tại Nam Kinh. Một cô gái 19 tuổi đến từ một hòn đảo ngoài khơi Kenya (quốc gia tại đông châu Phi ), nổi bật bởi những nét đặc trưng của người châu Á, đã được mời đến khai mạc bảo tàng với tư cách là một hậu duệ được cho là của người Trung Quốc đã đi thuyền với Trịnh, là bằng chứng sống rõ ràng cho thấy hành trình đi biển của Thái giám Tam Bảo "quý' và "đi xa" như thế nào. Ngày nay, Trịnh và các chuyến đi của ông là hiện thân vĩ đại của “các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông”, và những yêu sách dựa trên lịch sử chuyến đi, di sản của ông được coi như là thiêng liêng, nhiều thế kỷ trước khi đường chín đoạn xuất hiện.

Nếu Trịnh cung cấp câu chuyện về các quyền hàng hải lịch sử của Trung Quốc, thì luật sư và nhà lý thuyết pháp lý người Hà Lan, Hugo Grotius cung cấp điều ngược lại, đặt nền móng cho khái niệm tự do đi lại qua các đại dương trên thế giới, và đưa ra khái niệm “pháp quyền”, trái ngược với di sản của lịch sử.

Mặc dù có tầm quan trọng đối với toàn thế giới, nhưng trớ trêu thay, lập luận của Grotius lại nảy sinh từ một sự kiện cụ thể ở một góc của Biển Đông. Năm 1603, sau khi hạm đội của Trung Quốc bị đốt cháy và ký ức về Trịnh bị xóa nhòa, các tàu chiến của Hà Lan đã tấn công một tàu buôn của Bồ Đào Nha ở Biển Đông để trả thù cho các cuộc tấn công của Bồ Đào Nha nhằm vào tàu chở hàng của Hà Lan. Điều này đánh dấu sự khởi đầu cho cuộc đấu tranh toàn cầu giữa Bồ Đào Nha và Hà Lan để giành quyền kiểm soát các thuộc địa và, ở Đông Nam Á, để buôn bán gia vị. Con tàu của người Bồ Đào Nha là một giải thưởng hấp dẫn, chất đầy lụa, vàng, đồ sứ, gia vị và nhiều hàng hóa khác.

Nhưng khi chiến lợi phẩm về đến Hà Lan, người Hà Lan cần lý lẽ hợp pháp để biện minh cho việc thu giữ và bảo đảm lợi nhuận của họ. Họ chuyển sang Grotius, người mặc dù chỉ mới 21 tuổi nhưng đã được biết đến như một thần đồng chói sáng - anh ấy đã vào Đại học Leiden vào năm 11 tuổi.

Trong bản tóm tắt pháp lý của mình, Grotius đã nghiền nát lập luận của người Bồ Đào Nha cho rằng Biển Đông là của họ, bởi vì họ đã “phát hiện” ra các tuyến đường đi thuyền đến đó, cứ như thể Trịnh Hòa và tất cả các thuyền trưởng thái giám khác, cùng với các thương nhân Ả Rập và Đông Nam Á trước họ, chưa bao giờ đi qua biển Đông. Thay vào đó, Grotius lập luận cho quyền tự do trên biển và tự do thương mại, đồng thời khẳng định rằng các quyền này được áp dụng phổ biến. Do đó, ông nhấn mạnh, việc Hà Lan bắt giữ hoàn toàn là chính đáng để trả đũa việc Bồ Đào Nha can thiệp vào hoạt động vận chuyển của Hà Lan. Một phần của bản tóm tắt đã được xuất bản với những điều mà đã trở thành tác phẩm tuyệt vời của ông, "Mare Liberum", hay "Tự do của Biển" (The Freedom of the Seas). Grotius viết, giống như không khí và bầu trời, nước là tài sản chung của nhân loại. Không quốc gia nào có thể sở hữu chúng hoặc ngăn cản người khác đi qua chúng. Ông tuyên bố, “Mọi quốc gia được tự do đi đến mọi quốc gia khác và mua bán với quốc gia đó”.

Tiếp đến, Grotius chiếm một số vị trí pháp lý và dân sự nổi bật. Nhưng sau đó, bị bắt bởi gây mất lòng trong một trận chiến tôn giáo ở Hà Lan, ông ta bị kết án tù chung thân. Trốn khỏi nhà tù cùng với một hòm sách, ông tìm cách đến Paris, ở đó ông viết một cuốn sách mang tính bước ngoặt khác, "Luật Chiến tranh và Hòa bình", trong đó nêu ra cả cơ sở của “chiến tranh chính nghĩa” và các quy tắc ứng xử của chiến tranh. Nhà kinh tế học Adam Smith sau đó đã nói rằng "Grotius dường như là người đầu tiên cố gắng cung cấp cho thế giới bất cứ thứ gì giống như một hệ thống chuẩn mực về luật tự nhiên."

Được nhà vua Thụy Điển ngưỡng mộ, Grotius được bổ nhiệm làm đại sứ của Thụy Điển tại Pháp. Trong một chuyến trở về Pháp từ Thụy Điển vào năm 1645, ông đã bị một cơn bão dữ dội quần thảo ba ngày trên biển Baltic, làm đắm con tàu, và cuối cùng Grotius trôi dạt vào một bãi biển ở miền bắc nước Đức. Ở đó, “cha đẻ của luật biển”, như sau này người ta gọi ông, đã chết vì một tai họa trên biển. Tuy nhiên, di sản của ông vẫn tồn tại : Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, văn bản quốc tế xác định việc quản trị các quy tắc hàng hải, có thể được bắt nguồn hoàn toàn từ công việc của ông.

( Còn tiếp )

1    2

_ Câu chuyện này ban đầu được xuất bản bởi The Atlantic .


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.