VÙNG BIỂN QUAN TRỌNG NHẤT THẾ GIỚI. Phần II

Lịch sử so với luật pháp quốc tế, chủ nghĩa dân tộc và sức mạnh quân sự so với sự phụ thuộc lẫn nhau và các lợi ích chung — những điều này xác định sự tranh chấp trên Biển Đông.

Ảnh của Defense One

DANIEL YERGIN….NGÀY 16 THÁNG 12 NĂM 2020 Theo Defense One

Trần H Sa lược dịch.

Năm 1897, Theodore Roosevelt, khi đó là trợ lý Bộ trưởng Hải quân, đến Trường Cao đẳng Chiến tranh của Hải quân Hoa Kỳ. Trong bài giảng của mình ở đó, Roosevelt đưa ra lập luận cho một Hải quân Hoa Kỳ mạnh hơn nhiều - “một hạm đội hạng nhất gồm các thiết giáp hạm hạng nhất” - là thứ bảo đảm hòa bình tốt nhất. Bài phát biểu đã thu hút sự chú ý vào ông trên toàn quốc.

Roosevelt cũng đến thăm Trường Cao đẳng Chiến tranh với mục đích thứ hai: gặp gỡ một giảng viên, Đô đốc Alfred Thayer Mahan, người có nhiều ảnh hưởng đến Roosevelt về sức mạnh hải quân hơn bất kỳ người nào khác, và ý nghĩ của họ ảnh hưởng đến các tranh chấp và sự va chạm của sức mạnh hải quân Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông ngày nay .

Bất chấp sự phản đối của cha mình, một giáo sư tại học viện quân sự West Point của quân đội, Mahan đã học tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ. Nhưng khi phục vụ trên biển, các chỉ huy đánh giá ông là người thiếu khả năng chỉ huy thực tế. Ông không đồng ý. Mahan viết cho Roosevelt: “Từ lâu, tôi đã không biết bản thân mình là con người của suy nghĩ, không phải con người của hành động". Nhưng ông xác định, như ông đã nói, "tôi sẽ có ích cho hải quân, bất chấp những báo cáo bất lợi." Và ông ấy thực hiện được. Bắt đầu với "Ảnh hưởng của Sức mạnh Biển theo Lịch sử", nhiều cuốn sách và bài báo của ông đã đưa ông trở thành nhà lý thuyết có ảnh hưởng nhất thế giới về chiến lược hải quân.

Mahan viết, sức mạnh biển là điều cần thiết để bảo vệ thương mại, an ninh và vị thế của một quốc gia, và nó dựa trên “ba trụ cột” - thương mại nước ngoài; đội tàu hải quân và đội tàu buôn; và các căn cứ dọc theo các tuyến đường hàng hải. Mục tiêu lớn là bảo đảm “quyền chỉ huy trên biển” và “sức mạnh độc đoán chỉ có thể được thực hiện bởi các lực lượng hải quân lớn”, có nghĩa là khả năng thống trị các quyền đi qua của hải quân và “các tuyến thông tin liên lạc trên biển”.

Ảnh hưởng của ông đối với Mỹ rất rõ ràng và trực tiếp. Roosevelt trở thành phó tổng thống và sau đó, vào tháng 9 năm 1901, sau vụ ám sát William McKinley, ông lên làm tổng thống. Roosevelt không ngừng cam kết có một lực lượng hải quân hiện đại, với đỉnh cao là việc ông ra mắt 'Hạm đội Trắng Vĩ đại' trong một chuyến đi vòng quanh thế giới, công bố vai trò mới của Mỹ là một cường quốc toàn cầu.

Tác động của Mahan cũng mang tính toàn cầu. Bản dịch tiếng Nhật cuốn sách "Ảnh hưởng của Sức mạnh Biển theo Lịch sử" đã bán được hàng nghìn bản chỉ trong vài ngày, và ông được mời làm giảng viên tại Trường Cao đẳng Tham mưu Hải quân Nhật Bản. Trong một chuyến thăm Vương quốc Anh, ông nhận được bằng danh dự của hai trường đại học Cambridge và Oxford, và dùng bữa tối với Nữ hoàng Victoria. Tuy nhiên, không quốc gia nào lấy lòng Mahan nhiều hơn nước Đức. “Tôi bây giờ không đọc mà đang ngấu nghiến… cuốn sách của Mahan và đang cố gắng học thuộc lòng,” một người Đức, Kaiser Wilhelm II, viết. "Nó ở trên mọi con tàu của tôi và được các thuyền trưởng và sĩ quan của tôi liên tục trích dẫn."

Khi Mahan qua đời vào năm 1914, Roosevelt đã viết, "Không còn có ai khác trong tầng lớp của ông ấy, hoặc bất cứ nơi nào gần đó." Nhiều thập kỷ sau, chiến lược gia Edward Meade Earle lưu ý, “Rất ít người để lại dấu ấn sâu đậm về các sự kiện thế giới như Mahan đã để lại”. Dấu ấn đó ngày nay rõ ràng ở Trung Quốc, và đặc biệt là khi nó liên quan đến Biển Đông.

Bắc Kinh duy trì như một “lợi ích cốt lõi” rằng Đài Loan là một phần không thể thiếu của Trung Quốc. Năm 1996, Bắc Kinh lo ngại ứng cử viên hàng đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan có thể tiến tới độc lập chính thức, vì thế đã phóng thử tên lửa và bắn đạn thật vào vùng biển rất gần quốc đảo này, phong tỏa hiệu quả các cảng phía tây của Đài Loan. Mỹ phản ứng bằng cách điều hai nhóm tàu sân bay tác chiến đến eo biển Đài Loan, với vẻ bề ngoài là để tránh “thời tiết xấu”. Cuộc khủng hoảng lắng xuống, nhưng bài học của Mahan cho Bắc Kinh là rất rõ ràng : Khả năng khai triển và thể hiện sức mạnh trên biển là điều tối quan trọng.

Có nhiều vấn đề khác trong các cuộc tranh luận quân sự của Trung Quốc, nhưng sự tập trung của Mahan vào sức mạnh hàng hải và “quyền chỉ huy vùng biển” cung cấp một khuôn khổ để hiểu chiến lược hải quân của Trung Quốc. Hơn một thế kỷ sau khi ông qua đời, ông được nhiều nhà tư tưởng Trung Quốc trích dẫn và đề cập, và tiếp tục định hình quan điểm của họ. Như chiến lược gia Robert Kaplan viết: "Người Trung Quốc bây giờ là người của Mahan".

Vào một buổi sáng Chủ nhật trong xanh của tháng 8 năm 2014, các nhân viên hải quân Trung Quốc đã tập trung tại cảng Uy Hải ở phía bắc. Họ đến đó không phải để đánh dấu một chiến thắng, một lý do thông thường cho một cuộc tụ họp như vậy, mà để đánh dấu một thất bại — Trung Quốc thua người Nhật trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm 1894–1895, một thất bại do bị phong tỏa và hạm đội Trung Quốc đã bị tiêu diệt tại Uy Hải. Kết quả là Nhật Bản đã giành được quyền kiểm soát đối với Hàn Quốc và Đài Loan, và Uy Hải bị chuyển sang Vương quốc Anh kiểm soát, toàn bộ là một chương đặc biệt nhục nhã trong “thế kỷ sỉ nhục” của Trung Quốc.

Tại buổi lễ tưởng niệm năm 2014, hoa cúc trắng và hoa hồng đỏ đã được rải khắp vùng biển để thương tiếc cho những người Trung Quốc đã mất. Diễn giả nổi bật nhất ngày hôm đó là Đô đốc Wu Shengli. Trong nhận xét của Wu tại Uy Hải, người ta có thể nghe thấy tiếng vọng của Mahan.

Wu nói: “Lịch sử nhắc nhở chúng ta rằng một quốc gia sẽ không thịnh vượng nếu không có sức mạnh hàng hải". Ông cho rằng thế kỷ nhục nhã là kết quả của sức mạnh hải quân không đủ, mà thất bại ở Uy Hải đã chứng tỏ. Nhưng ngày nay, “biển không còn chướng ngại vật; lịch sử nhục nhã của dân tộc đã qua đi, không bao giờ trở lại ”.

Mahan viết trong giai đoạn đầu của toàn cầu hóa, vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi thế giới đang được kết nối với nhau bằng loại công nghệ - tàu hơi nước, đường sắt, điện báo - và bằng các dòng đầu tư và thương mại. Ông đã cung cấp cơ sở hợp lý dựa trên sự hiểu biết rộng rãi vào thời đại đó cho những gì mà đã trở thành một cuộc chạy đua toàn cầu để xây dựng hải quân.

Khi tìm kiếm những tương tự cho những rủi ro rộng lớn hơn mà có thể diễn ra bởi cuộc cạnh tranh hải quân Mỹ-Trung ở Biển Đông, các nhà phân tích lặp đi lặp lại ví dụ sinh động về sự cạnh tranh chiến lược từ hơn một thế kỷ trước : cuộc chạy đua hải quân của Anh - Đức đã góp phần tạo tiền đề cho Thế chiến I. Thật đáng lo ngại là trong cuốn sách "Về Trung Quốc" , Henry Kissinger kết luận bằng một phần kết có tựa đề "Lịch sử có lặp lại chính nó không?", hoàn toàn dành cho việc xây dựng quân đội này. Tuy nhiên, Kissinger tiếp tục nói với một số lo lắng, "Các phép loại suy từ lịch sử về bản chất là không chính xác."

Cuộc chạy đua hải quân Anh-Đức là cuộc cạnh tranh chiến lược quyết định vào thời điểm đó. Đó cũng là một phần quan trọng của cơn sốt thuyết phục mọi người rằng chiến tranh giữa Vương quốc Anh và Đức là không thể tránh khỏi. Đó là kết luận mà Winston Churchill, vị tướng đầu tiên của các đô đốc, đưa ra vào năm 1911. Kể từ đó, như sau này ông viết, ông chuẩn bị "cho một cuộc tấn công của Đức như thể nó có thể đến vào ngày hôm sau."

Tuy nhiên, có một số người không đồng ý với đánh giá đó - và không ai mạnh mẽ hơn bóng ma thứ tư, người đang ám ảnh Biển Đông.

Trong số những tiếng nói vào đầu thế kỷ 20 cho rằng chiến tranh giữa Đức và Anh không nhất thiết là điều không thể tránh khỏi, không ai mạnh mẽ hơn tiếng nói của một người đàn ông có vẻ ngoài ốm yếu tên là Norman Angell. Ông ấy có ảnh hưởng to lớn trong việc thuyết phục mọi người rằng chiến tranh đã trở nên phi lý. Ông thậm chí còn nhận được giải Nobel Hòa bình vì đã nhận định rằng “chiến tranh là một phương pháp khá bất cập để giải quyết các tranh chấp quốc tế”. (Giải thưởng được đưa ra vào năm 1934 đã khiến ông nhận xét, với một ít lạnh nhạt, “Sẽ hợp lý hơn nếu trao nó vào thời điểm sớm hơn”). Angell nhấn mạnh lợi ích của một nền kinh tế thế giới kết nối và cái giá phải trả cho sự xung đột, một thông điệp đặc biệt có liên quan cho một Hoa Kỳ và một Trung Quốc đang phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, và gắn bó với nhau trong một nền kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn mà những thịnh vượng tương ứng của họ dựa vào đó.

Angell đến với nghề nghiệp của mình bằng một con đường khá vòng vo và không thích hợp. Khi còn là một thiếu niên, ông đã làm việc như một phóng viên báo chí, đầu tiên ở quê hương Vương quốc Anh, trước khi chuyển đến Hoa Kỳ. Cuối cùng ông đến đông bắc của Los Angeles, ở Bakersfield dân cư thưa thớt, nơi ông làm việc như một công nhân nông trường và công nhân trang trại chăn nuôi, rồi như một người vận chuyển thư; cư ngụ ở ngoại ô thành phố; đầu cơ không thành công vào đất đai; tìm kiếm vàng; và thử thăm dò dầu khí bằng thủ công, tất cả đều vô ích. Thất bại trong việc tìm kiếm tài sản của mình, ông đã bỏ đi và cuối cùng đến Paris, nơi ông làm việc cho các tờ báo tiếng Anh.

Đến lúc đó, ông bị ám ảnh bởi sự trổi dậy của các phương tiện truyền thông đại chúng và lo lắng về những gì ông thấy là sự xuất hiện của tâm lý đám đông và sự nổi lên của khuynh hướng cáu kỉnh từ chủ nghĩa dân tộc độc ác và không khoan dung ở châu Âu. Năm 1903, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình, "Chủ nghĩa yêu nước Dưới ba ngọn cờ" , lập luận rằng “chủ nghĩa cảm tính”, hay chủ nghĩa ái quốc hiếu chiến cực đoan, đang hoạt động chống lại lợi ích của xã hội có tổ chức.

Sau đó, Angell đã nhận được công việc là làm nhà xuất bản Daily Mail của ấn bản châu Âu, vào thời điểm tờ báo có lượng phát hành lớn nhất trên thế giới. Bị thúc giục bởi cuộc chạy đua hải quân Anh-Đức, Angell vội vã viết cuốn sách mới, " Ảo ảnh quang học của châu Âu", trong đó ông khẳng định rằng mình không theo chủ nghĩa hòa bình và không phản đối chi tiêu quân sự của Vương quốc Anh, trừ phi, do nền kinh tế thế giới ngày càng kết nối với nhau nhiều hơn và các dây chằng dày đặc của thương mại và đầu tư, mà sau đó các quốc gia tham gia với nhau, cái giá phải trả cho chiến tranh sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích - không chỉ đối với kẻ bại trận, mà còn đối với kẻ chiến thắng. (Angell thường bị chế giễu vì bị cáo buộc rằng, các liên kết kinh tế mạnh mẽ của thời kỳ hiện đại đầu tiên của toàn cầu hóa khiến chiến tranh không thể xảy ra. Nhưng, mặc cho một người nhiều lời, đôi khi quá nhiều lời, đó thực sự không phải là những gì ông ấy nói. Luận điểm của ông ấy là “không có cuộc chiến nào là không thể, nhưng nó là vô ích”. Với những thập kỷ nghiệt ngã sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ai đó có thể nói rằng ông đã sai ?) Trước sự thất vọng của Angell, ông không thể tìm được nhà xuất bản, và cuối cùng đã tự xuất bản và tự phân phối sách của mình.

Cho dù khởi đầu không tốt, cuốn sách đã nổi tiếng. Một nhà ngoại giao hàng đầu của Vương quốc Anh cho biết nó đã “khiến bộ não của tôi quay cuồng.” Một tờ báo gọi nó là “cuốn sách được thảo luận nhiều nhất trong những năm gần đây”. Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Anh, Ngài Edward Grey đã công khai khen ngợi cái mà ông gọi là "một cuốn sách nhỏ rất thú vị".

Cuốn sách đã trở thành một cuốn sách bán chạy nhất, và Norman Angell đã khởi đầu. Trước nay là "Norman Angell" : Cho đến thời điểm này, ông đã viết dưới tên thật của mình, Ralph Lane, bỏ qua "Norman Angell" để tách cuốn sách khỏi công việc của ông ở Daily Mail. Trong những lần xuất bản tiếp theo, Angell đặt lại tên cuốn sách "Đại Ảo Tưởng" (The Great Illusion).

Có những người chỉ trích, trong số đó có Mahan, người đã bác bỏ lập luận của Angell rằng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng khiến chiến tranh trở nên phi lý. “Quốc tịch sẽ không bị loại bỏ khi đối mặt với việc vẻ lại bản đồ thế giới,” vị đô đốc đã viết những lời vẫn còn tiếng vang cho đến ngày nay.

Mặc các lời phê bình, Angell vẫn tăng cường ảnh hưởng. Ngay cả Kaiser Wilhelm cũng được cho là đã đọc cuốn sách “với sự quan tâm sâu sắc và thảo luận về nó với một ý tốt.” Cuộc chạy đua hải quân Anh-Đức vẫn tiếp tục diễn ra dưới mọi nổ lực, nhưng hai cường quốc đã thể hiện sự kiềm chế trong cuộc khủng hoảng Balkan năm 1912. Điều này được Angell coi đó là một dấu hiệu của lý trí hơn là cảm xúc. Trong một chuyến đi đến Hoa Kỳ vào tháng 2 năm 1914, ông nói với một phóng viên, "Sẽ không bao giờ có một cuộc chiến tranh nào nữa giữa các cường quốc châu Âu". Vào tháng 6 năm 1914, hạm đội Vương quốc Anh đã có chuyến thăm hữu nghị kéo dài một tuần tới cảng Kiel của Đức, củng cố tuyên bố của ông. Trong khi ở nơi khác, 800 dặm về phía nam, ở Sarajevo, Franz Ferdinand, hoàng tử của đế quốc Áo-Hung, bị ám sát. Năm tuần sau, Thế chiến I bắt đầu.

Tuy nhiên, hậu quả của chiến tranh đã chứng minh Angell đúng: Chi phí lâu dài của chiến tranh vượt xa bất cứ thứ gì có thể thu được. Đó là một thông điệp ám ảnh lên những căng thẳng gia tăng ngày nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Lịch sử so với luật pháp quốc tế, chủ nghĩa dân tộc và sức mạnh quân sự so với sự phụ thuộc lẫn nhau và các lợi ích chung — những điều này xác định sự tranh chấp trên Biển Đông.

Và vì vậy khi bạn nghe thấy những tuyên bố lịch sử, hãy nghĩ đến đô đốc Trịnh Hòa. Khi nó là tự do của biển, nó là Hugo Grotius. Khi nó là cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Trung Quốc, thì là đô đốc khác, Alfred Thayer Mahan. Và với sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, hãy nghĩ đến Norman Angell và cái giá phải trả cho cuộc đối đầu giữa hai quốc gia vốn phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế.

Đây là bốn hồn ma ám ảnh vùng biển rắc rối đó.


1    2

_ Câu chuyện này ban đầu được xuất bản bởi The Atlantic .


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.