Kissinger cố sức tìm kiếm vị trí chúa trùm....Đừng là một Kerensky!

Cách tiếp cận của Kissinger giúp giải thích mối quan hệ to lớn mà ông ấy kết nối với giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, và họ đã cùng phe với ông : mỗi bên đều nhìn thấy ở phía bên kia một quyết tâm nhìn xa trông rộng, một sự khinh thường đối với hoạt động của các thể chế dân chủ, và một sự thoải mái cao độ với việc tập trung quyền lực chính trị tối đa.

Ảnh của London Review of books

David Runciman…Tập 42 Số 23 · 3 tháng 12 năm 2020…… Theo London Review of books

Trần H Sa lược dịch.

Đây là bài điểm hai cuốn sách mới xuất bản viết về Henry Kisinger :

1/ Bi kịch không thể tránh khỏi : Henry Kissinger và Thế giới của ông ta, tác giả Barry Gewen. (Norton, 452 trang, 22,99 bảng Anh, tháng 4, 978 1 324 00405 9)
2/ Henry Kissinger và Quyền lực Mỹ: Tiểu sử Chính trị , tác giả Thomas Schwartz .( Hill và Wang, 548 trang, £ 27,99, tháng 9, 978 0 8090 9537 7)


Khi gia đình và bạn bè của Christopher Hitchens (*) thường xuyên lặp đi lặp lại, cố gắng thuyết phục Hitchens giảm bớt lối sống gây nguy hiểm cho tính mạng của bản thân, họ thường chỉ ra câu chuyện, nếu Henry Kissinger sống lâu hơn anh ta thì sẽ khủng khiếp ra sao. Hitchens đã dành nhiều năm theo đuổi Kissinger trên báo in - và đôi khi là theo đuổi trực tiếp - vì đủ loại tội ác chiến tranh của Kissinger. Hitchens muốn thấy Kissinger bị truy tố tại The Hague. Không làm được điều đó, liệu có đáng vướng vào những đồ uống hoặc những điếu thuốc kỳ quặc để có thể nhảy múa trên mộ của con quái vật già hay không ? Rõ ràng là không. Hitchens qua đời năm 2011, thọ 62 tuổi, sau mười năm kể từ khi ông xuất bản cuốn "Phiên tòa xử Henry Kissinger" (một sự kiện chưa từng xảy ra). Kissinger, đối tượng của cuốn sách đó ở vào tuổi 77 khi sách xuất hiện, 88 tuổi khi tác giả của nó qua đời, và bây giờ là 97 tuổi. Ấy thế mà những cuốn sách viết về Kissinger vẫn tiếp tục ra đời. Cặp đôi mới nhất này, của Barry Gewen và Thomas Schwartz, đã vượt ra khỏi sự oán hận, thành một thứ gì đó giống như sự hoang mang, nhuốm màu hiển thị nhân cách của Kissinger. Mỗi cuốn sách bắt đầu bằng sự thừa nhận gây ấn tượng sâu sắc về sự không chắc chắn của các tác giả : họ hỏi, tại sao, tôi lại viết về Henry Kissinger, khi đã có rất nhiều bài viết rồi ? Câu trả lời là bởi vì Kissinger trêu ngươi họ, gợi ra một bí ẩn mà vẫn chưa được giải đáp. Ông ta có cái gì mà tất cả những người khác không có? Bí mật của ông ta là gì?

Một phần của câu trả lời là sự tự ứng nghiệm. Những cuốn sách này đặt câu hỏi tại sao người ta vẫn viết về một người đàn ông mà đã rời bỏ chức vụ công cộng hơn bốn mươi năm trước, và kể từ đó, đã và đang đánh bóng huyền thoại của mình, trong khi vẫn kiếm được rất nhiều tiền. Chắc chắn phải có cái gì đó nhiều hơn cho sự nổi tiếng của ông ấy, chứ không chỉ đơn giản là một sự khao khát kỳ lạ được nổi tiếng ! Kissinger mất chức ngoại trưởng vào tháng 1 năm 1977, khi Jimmy Carter đến Nhà Trắng. Trước đó, ông ta đã là một trong những người đàn ông nổi tiếng nhất thế giới, nhiều lần lên trang bìa của Time và Newsweek, và trong một tuần đáng nhớ vào năm 1972, Kissinger xuất hiện trên cả hai tạp chí cùng một lúc. Vào tháng 6 năm 1974, hai tháng trước khi Watergate đưa sếp của ông, Richard Nixon ra khỏi chức vụ, Newsweek đã miêu tả Kissinger là 'Super K' với đầy đủ trang phục anh hùng, cơ bắp cuồn cuộn, áo choàng xoáy tít. Ông ta biết điều đó là quá tốt để tồn tại : đó là những thứ mà các vị thần muốn tiêu diệt người nào, thì việc trước tiên là người đó phải khoác những thứ ấy vào, như là Siêu nhân. Gewen mô tả sự phi lý của Kissinger lúc ở đỉnh cao trong những tháng đầu năm 1974: "Trong đầy dẫy sự phi lý của nó, có cái lâu dài của một bong bóng đầu cơ (Tulip Mania) hoặc một số bong bóng tài chính khác". Nhưng dù vậy, sự nổi tiếng của Kissinger chỉ giảm xuống trong thời chính quyền Ford, chứ bong bóng chưa bao giờ vỡ.

Những kẻ thù của ông luôn tuyên bố rằng, chỉ có Kissinger trung thành đeo bám với quyền lực tổng thống như sam, mới tạo nên dấu ấn đặc biệt của ông. Tuy nhiên, khi ông ta rời khỏi chức vụ, sức lôi cuốn của ông ấy hầu như không giảm. Trong suốt thập kỷ sau đó, ông vẫn là cái tên được báo chí Mỹ trích dẫn đứng hàng thứ ba, sau Ronald Reagan và Elizabeth Taylor ( nữ minh tinh điện ảnh Mỹ ). Ông tiếp tục cố vấn cho các chủ tịch của mọi tầng lớp xã hội, điều khiển các lãnh địa khổng lồ ở Phố Wall, được đối đãi như một danh nhân ở Trung Quốc, và được các nhà xuất bản ca ngợi chào đón. Điều này vẫn tiếp tục vào cuối những năm chín mươi của ông. Kissinger luôn luôn thích vẽ ra một sự tương đồng dựa trên nghiên cứu lịch sử ở khoảng nửa đầu của thế kỷ 20; một trong những câu thần chú của ông dành cho các nhân vật chính trị mới nổi, những người bùng sáng trên chính trường là: "Đừng là một Kerensky!". Alexander Kerensky là nhà lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Hai năm 1917, và một thời gian ngắn là đứa con cưng của thế giới dân chủ, cho đến khi những người Bolshevik tống ông vào sọt rác lịch sử, 9 tháng sau đó. Kerensky đã dành 53 năm cuối cùng của cuộc đời mình sống dè xẻn với tư cách là một nhà bình luận chính trị và là nhà trí thức của công chúng ở Paris và New York, kết thúc tại Viện Hoover ở Stanford. Kissinger không phải là Kerensky ? Có và không. Đúng là Kissinger đã dùng một nửa cuộc đời để đổi chác cho sự nổi danh của mình. Nhưng thật là một sự đổi chác chả ra làm sao - cứ như thể là Kerensky đã xoay xở để tận dụng uy thế ngắn ngủi của mình làm nên tên tuổi ở Hollywood, tiền bạc ở New York và gây ảnh hưởng toàn cầu.

Kissinger làm gì khi nắm quyền mà đã cho ông ta một hậu vận lạ thường như vậy? Ông ấy là một người trình diễn xuất sắc, một bậc thầy về các cuộc họp báo chính thức và không chính thức, một người yêu của các tay săn ảnh, thoải mái trong hộp đêm ở Tehran như khi ông ta đang có mặt tại một hội nghị thượng đỉnh ở Washington, và có khả năng được chụp ảnh khi tham dự ở cả hai sự kiện. Nhưng liệu tài năng tự đề cao đó có thực sự đủ cho ông ta ? Trong một bài tiểu luận gần đây trên tờ New Yorker, Adam Gopnik mô tả ba khía cạnh trong nhân cách chính trị của Abraham Lincoln : Barnum Lincoln, người biết cách trình diễn một cách cầu kỳ; Bardo Lincoln, người biết cách cảm thấy gần gủi với người chết; và Wigwam Lincoln, người biết cách giành được sự đề cử tổng thống. Người trình diễn, nhà triết học, nhà điều hành. Hiếm khi mà cả ba loại người đó cùng bị đe dọa. Kissinger không phải Lincoln. Nhưng hai cuốn sách này không đồng ý về tài năng mà đã là nền tảng cho sự thăng tiến của Kissinger. Theo Gewen, chính sự hiểu biết sâu sắc của Kissinger về tư tưởng chính trị châu Âu đã mang lại cho ông ta sức đẩy. Trong sâu thẳm ông ta là một nhà tư tưởng bi quan. Đối với Schwartz, đó là kỹ năng của Kissinger trong chiến đấu chính trị tay đôi, cho dù ở Cánh Tây của tòa Bạch Ốc hay trong các vòng ngoại giao con thoi bất tận của ông. Trong sâu thẳm, ông ta là một nhà thao túng bậc thầy. Tuy nhiên, khi xem xong những cuốn sách này, tôi thấy thật khó để không khỏi thắc mắc mọi thứ đâu phải chỉ là một buổi biểu diễn !

Gewen tìm kiếm bối cảnh cho triển vọng chính trị của Kissinger trong các bài viết của ba người châu Âu gốc Do Thái lưu vong đến Mỹ, những người đã chia sẻ ý thức của họ về tính nhất thời của phương diện an ninh, được thấm nhuần bởi kinh nghiệm của họ về chủ nghĩa phát xít : Leo Strauss, người tìm kiếm sự khôn ngoan trong những ý tưởng thâm thúy của các chính khách ưu tú; Hannah Arendt, người muốn gắn chính trị vào sự sáng tạo của hành động con người; và Hans Morgenthau, vừa là bạn vừa là đối thủ của Kissinger, người hy vọng củng cố các mối quan hệ quốc tế với sự hiểu biết thực tiễn về 'tư lợi quốc gia' (Morgenthau và Kissinger đều đã trải qua thất bại ở Chiến tranh Việt Nam, cuộc chiến mà Kissinger theo đuổi khi cố gắng kết thúc nó, và Morgenthau tin rằng đó là một sự phản bội lợi ích của Mỹ). Nhưng không phải Leo Strauss, Hannah Arendt, Hans Morgenthau, mà lại là một nhà văn châu Âu khác - một du khách đến Mỹ chứ không phải là một người lưu vong - dường như đã có ảnh hưởng lớn nhất đến Kissinger. Nhà văn châu Âu, Alexis de Tocqueville coi nền dân chủ Mỹ là một kết hợp của sự bất ổn ngắn hạn và tính bền vững lâu dài : một bề ngoài hỗn loạn, và một bên trong mạnh mẽ vô cùng. Ông cũng tỏ ra gay gắt về khả năng tiến hành ngoại giao của các chính trị gia chủ trương dân chủ, trước những áp lực mà họ phải chịu đựng để chìu theo thị hiếu tầm thường của quần chúng. Ông cho rằng các vấn đề đối ngoại tốt nhất nên để dành cho những người có khí chất quý tộc hơn, cho dù là quý tộc thực sự hay đơn giản là những người có tư tưởng của thành phần ưu tú (may mắn cho Tocqueville là ông đã tình cờ được cả hai).

Kissinger sinh ra không có đặc ân là thành phần ưu tú. Cha của ông, Louis, là một giáo viên Do Thái ở Bavaria, người hy vọng mọi thứ có thể đưa đến kết quả tốt đẹp kể cả sau khi Hitler lên nắm quyền. Ông bỏ trốn sang Mỹ cùng gia đình vào năm 1938, khi Hitler chứng minh hy vọng của ông là sai lầm khủng khiếp. Con trai lớn của ông, Heinz - 15 tuổi, trở thành Henry Kissinger lúc cả gia đình đến New York - không bao giờ quên bài học đó. Kissinger vươn lên bằng chính nỗ lực của mình, ban ngày làm việc trong xưởng sản xuất chổi (xoa xà phòng ) cạo râu, ban đêm học kế toán tại trường Cao đẳng Thành phố New York. Quân đội đã tạo nên Kiss : được tuyển dụng vào tình báo quân sự, ông chiến đấu trong Trận chiến Bulge và là trưởng phòng quản lý thành phố Krefeld khi Mỹ tấn công vào Đức năm 1945. Ông ta mới 21 tuổi. Sau chiến tranh Kissinger đi đến Harvard, và kết thúc với mảnh bằng Tiến sĩ. Ông không có sự lạnh nhạt trí tuệ nào của Tocqueville đối với cuộc sống Mỹ. Nước Mỹ là quê hương của ông. Nhưng Kissinger đã chia sẻ cảm nghĩ của Tocqueville rằng, nền dân chủ Mỹ có hai mặt nên được xem xét riêng biệt. Trong sinh hoạt hàng ngày, nó tầm thường và thường là cận thị vô cùng tận. Kissinger thích phàn nàn “Không một ai nghĩ xa hơn một phút sau”, một câu nói lẽ ra nên được nhấc thẳng ra khỏi nền dân chủ Mỹ. Đồng thời, ông cũng công nhận sức mạnh phi thường do thiên nhiên thuận lợi của nước Mỹ ban tặng, và do điều mà ông tin là ý thức tốt của người dân. Ông ít tin tưởng vào các thể chế dân chủ của nó, nhưng lại rất tin tưởng vào bản năng khiêm tốn của những công dân rất tốt - "đa số im lặng", như Nixon gọi họ.

Khi Kissinger trở thành cố vấn an ninh quốc gia của Nixon, và sau đó là ngoại trưởng, ông đã sử dụng triển vọng này để thừa hưởng một số lượng uy tín chính trị nổi bật và thuận lợi. Về mặt này, chắc chắn Kissinger không phải là Kerensky, người đã thể hiện niềm tin ngây thơ vào khả năng của một nền dân chủ để đưa ra những quyết định khó khăn, đặc biệt là trong thời chiến. Thái độ của Kissinger thì theo chủ nghĩa Lenin rõ hơn nhiều. Ông ta không tự đặt mình vào đội tiên phong của giai cấp vô sản có sức mạnh nhưng không biết sử dụng, mà ông chọn đội tiên phong là giai cấp trung lưu Mỹ. Không được bầu chọn và không chịu trách nhiệm trước bất kỳ ai, ngoại trừ các tổng thống mà ông phục vụ, ông tuyên bố sẽ nói thay cho những người không thể nói về bản thân họ. Điều này có nghĩa là ông ta không cần phải nói cho họ biết ông ta mang trách nhiệm gì. Vụ đánh bom Campuchia năm 1969 - một trong những tội ác của Kissinger mà Hitchens muốn truy tố - được thực hiện trong bí mật với người dân Mỹ, Schwartz nói 'để bảo toàn danh dự của họ'. Nếu Kissinger tiết lộ bí mật về những gì ông ta đang làm, thì với mặt ngoài của nền dân chủ Mỹ - các chính trị gia thích khán đài và báo chí hay than vãn - có thể họ đã cố gắng kiềm chế ông ta. Tốt hơn hết là hãy tiếp tục và để người dân cảm ơn ông ta sau này. Cách tiếp cận của Kissinger giúp giải thích mối quan hệ to lớn mà ông ấy kết nối với giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, và họ đã cùng phe với ông : mỗi bên đều nhìn thấy ở người phía bên kia một quyết tâm nhìn xa trông rộng, một sự khinh thường đối với hoạt động của các thể chế dân chủ, và một sự thoải mái cao độ với quyền lực chính trị được tập trung tối đa. Trên thực tế, Kissinger coi thường nền dân chủ, trong khi ông chỉ thừa nhận ngoài cửa miệng các giá trị của nó trên nguyên tắc, điều này cũng giúp ông ta dễ dàng trốn tránh trách nhiệm khi mọi việc diễn ra không như ý muốn. Xuất hiện trước một Ủy ban Thượng viện vào năm 1975 để giải thích tại sao Mỹ đã bị buộc phải rời khỏi Sài Gòn một cách vô cùng nhục nhã, ông ta biết chính xác chỗ nào để đổ lỗi. Như ông đã nói với các trợ lý của mình sau đó, "Tôi đã nói 25 lần rằng đó là lỗi của Quốc hội !". Các chính trị gia ở Quốc Hội đã từ chối cho ông ta số tiền mà ông ta cần để hoàn thành một công việc, trong trường hợp này có nghĩa là để nâng đỡ chế độ miền Nam Việt Nam đủ lâu - mà Kissinger mong chết cho sớm - để cho phép Hoa Kỳ thoát khỏi đó với phẩm giá nguyên vẹn. Rõ ràng chỉ Kissinger mới hiểu phẩm giá của nước Mỹ quan trọng như thế nào. Các chính trị gia của nền dân chủ Mỹ đã quá bận rộn với những cuộc cãi vã nên không nhận ra phẩm giá của nước Mỹ ra sao sau khi đi khỏi Nam Việt Nam.

( Còn tiếp…Bài khá dài nên tôi chia ra làm ba phần )

1      2     3


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.