Trật tự tự do trước đây và trong tương lai Phần I

Sự xói mòn trật tự quốc tế dường như bắt nguồn từ sự suy giảm tinh thần kiên cường của các quốc gia.

Hình IISS
 Hanns W. Maull, Tháng 3 năm 2019 Theo IISS, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế 

Trần H Sa lược dịch 

Trật tự quốc tế không chỉ đơn giản là đến và đi - chúng tiến hóa dần dần. Chúng có thể bị áp đặt bởi quyền lực vượt trội hoặc được thành lập bằng thỏa thuận, nhưng chúng được duy trì - và sửa đổi - thông qua các hoạt động hàng ngày của hàng ngàn, thậm chí hàng triệu cá nhân đang tiến hành các công việc kinh doanh của họ. Theo cách này, trật tự quốc tế luôn thể hiện sự pha trộn của sự liên tục và thay đổi, của sự quen thuộc và mới mẻ. Tuy nhiên, sự tiến hóa không phải lúc nào cũng diễn ra với nhịp độ ổn định: tại một số thời điểm nhất định trong lịch sử, những quá trình thay đổi chậm thường có thể tăng tốc, làm thay đổi sự cân bằng giữa tính liên tục và biến đổi theo hướng có lợi cho sự chuyển đổi. Do đó, hai cuộc chiến tranh thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX đã phục vụ để biến hệ thống Hòa hợp quyền lực Châu Âu ở thế kỷ XIX thành trật tự quốc tế tự do mà chúng ta quen thuộc ngày nay. Tuy nhiên, trật tự này cũng kết hợp các yếu tố từ những trật tự trước đó, không chỉ là trật tự quốc tế của Westphalian (1) được thành lập năm 1648 sau Chiến tranh ba mươi năm ở châu Âu. Trật tự này còn thiết lập các nguyên tắc như chủ quyền và không can thiệp tiếp tục là các khía cạnh trọng tâm của quan hệ quốc tế.

Trật tự tự do đương đại có thể tự nó đã bước vào thời kỳ chuyển đổi nhanh hơn - và có lẽ là tan rả. "Chúng ta cùng đồng hành trong quá trình chuyển từ thế giới sau Chiến tranh Lạnh mà chúng ta đã biết trong 25 năm qua, sang một thế giới mới mà không có một siêu cường bá quyền nào", J. Stapleton Roy, một đánh giá được chia sẻ bởi nhiều người khác.  Philip Zelikov, đã nói rằng thế giới ngày nay đang phải chịu một 'cuộc khủng hoảng hệ thống nghiêm trọng'. Đồng thời, sự cần thiết phải có một trật tự quốc tế hoạt động - để ngăn chặn chiến tranh lan rộng, chống lại sự nóng lên toàn cầu, ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học và vũ khí hóa học, tập trung vào vấn đề di cư - nếu có, nó chỉ được tăng cường kể từ thời điểm chuyển giao thế kỷ. Nếu trật tự tự do quốc tế  đã không thể khắc phục được, như một số nhà quan sát tuyên bố, điều gì có thể xảy ra?

Sự phát triển của trật tự quốc tế tự do từ năm 1990

Trật tự tự do quốc tế  đã có nhiều hình thức trong suốt lịch sử lâu dài của nó. Hiện thân đầu tiên của nó, có thể gọi là "trật tự quốc tế tự do 1.0" '(LIO 1.0') , được sắp đặt bởi Vương quốc Anh vào thế kỷ XIX. Nó được xây dựng trên các nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền (nhưng cũng là chủ nghĩa thực dân), thương mại tự do, các dòng vốn, và những tiêu chuẩn vàng. Một hiện thân thứ hai (LIO 2.0) xuất hiện từ sự lắng xuống của Thế chiến thứ nhất. Sau thất bại của Liên minh các quốc gia trong những năm 1930, trật tự này đã được làm lại, chủ yếu bởi Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, trong và ngay sau Thế chiến thứ hai. Các nguyên tắc và chuẩn mực của nó lần đầu tiên được nêu ra trong Hiến chương Đại Tây Dương, và sau đó trong các tài liệu nền tảng của Liên hiệp quốc và các tổ chức Bretton Woods (2). LIO 2.0 đã mở rộng đáng kể các nguyên tắc và chuẩn mực của LIO 1.0, ví dụ bằng cách nhấn mạnh quyền dân tộc tự quyết và phi thực dân hóa, quyền con người của mỗi cá nhân và quản trị dân chủ. Tuy nhiên, trật tự này đã nhanh chóng được thay thế bởi cuộc xung đột Đông - Tây. Do đó, từ năm 1947 đến năm 1990, LIO 2.0 đã bị nhúng vào vào trật tự quốc tế lưỡng cực thời Chiến tranh Lạnh, và do đó kinh qua nhiều sửa đổi quan trọng.

Trật tự Chiến tranh Lạnh phản ảnh sự không tương thích căn bản giữa các trật tự chính trị trong nước của Hoa Kỳ và Liên Xô, và sự cân bằng quân sự gay cấn giữa hai siêu cường. Nguyên tắc chính của nó là các khu vực ảnh hưởng, hoặc 'khối', cam đoan lẫn nhau về tình trạng bị hủy diệt và cùng tồn tại hòa bình. Bất kỳ trật tự quốc gia hoặc khu vực nào đều phần lớn phụ thuộc vào tổng thể cấu trúc xung đột giữa hai siêu cường. Cấu trúc này khá phức tạp, góp phần vào sự ổn định chung của nó, mặc dù điều này đôi khi phải được thực thi thông qua các biện pháp can thiệp, bí mật hoặc bằng cách khác, bởi Hoa Kỳ (như ở Iran năm 1953) và Liên Xô (Hungary năm 1956).

Nghiên cứu trật tự quốc tế

Để nghiên cứu những thay đổi trong trật tự quốc tế, trước tiên chúng ta phải hiểu trật tự đó là gì. Ở bất kỳ cấp độ nào, trật tự là tìm cách để các nhóm người sống tốt với nhau một cách hợp lý, với càng ít bạo lực càng tốt. Rốt cuộc, mong muốn tránh bạo lực cũng lâu đời như loài người, ít nhất không chỉ bởi vì bạo lực có thể làm suy yếu sự thịnh vượng. Cuối cùng, tất cả các trật tự  chính trị đều chứa đựng các nguyên tắc và chuẩn mực qua đó xác định cách mà mọi người và các nhóm nên cư xử với nhau như thế nào, và tất cả bao gồm các thỏa thuận cho việc thực thi quyền lực và quản lý các xung đột bên trong và giữa các tập thể cụ thể. Bất kỳ trật tự chính trị nào cũng dựa trên sự phân phối quyền lực giữa các thành viên của nó: 'trật tự' (nghĩa là cố gắng cai trị) đòi hỏi khả năng ảnh hưởng đến hành vi của người khác, thậm chí có thể chống lại sự kháng cự. Do đó, bất kỳ đặc điểm cụ thể nào của trật tự đều phản ảnh cách thức quản lý tập thể. Trật tự quốc tế trải dài trên mọi cấp quản lý, từ địa phương đến toàn cầu.

Bài viết này dựa trên một dự án nghiên cứu quốc tế kéo dài nhiều năm được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Quốc tế và Các vấn đề An ninh của Đức (SWP), tập trung vào sự phát triển của trật tự quốc tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nhóm nghiên cứu đã xem xét một số nghiên cứu điển hình đại diện cho các thành phần chính của hệ thống quốc tế, được nhóm nghiên cứu gọi là 'trật tự một phần' và 'các cường quốc quản lý trật tự'. Trật tự một phần là các khu vực hoặc các chế độ thiết thực cùng nhau tạo thành cấp độ trung gian của chính trị thế giới, giữa trật tự quốc gia và trật tự quốc tế nói chung. Nhóm nghiên cứu đã đánh giá và so sánh ba trật tự khu vực (trật tự Toàn châu Âu, Trung Đông và Đông Á) và sáu trật tự thiết thực (các chế độ quốc tế để quản lý thương mại quốc tế; biến đổi khí hậu, với Nghị định thư Kyoto và hiệp định Paris được coi là hai trật tự riêng biệt, vũ khí hạt nhân, không gian mạng và các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng quốc tế, như SARS và Zika). Nhóm nghiên cứu cũng đã xem xét hai quốc gia, Hoa Kỳ và Trung Quốc, được coi là "các cường quốc quản lý trật tự" do vai trò nổi bật của họ trong việc tìm cách định hình trật tự quốc tế để phục vụ lợi ích của chính họ. Nghiên cứu đánh giá cấu hình sức mạnh cơ bản của trật tự quốc tế và các thành phần của nó; nguyên tắc, chuẩn mực, quy tắc và thể chế của nó; mô hình hợp tác và xung đột của nó; cơ chế thực thi; tính hợp pháp, hiệu quả và thẩm quyền của nó; khả năng thích ứng; và sự tiến hóa của nó theo thời gian.

Chỉ với sự sụp đổ của đế chế Liên Xô ở Đông Âu và sự tan rã của chính Liên Xô, trật tự quốc tế tự do đã tái khẳng định sự thống trị của nó. Hiến chương Paris - một tuyên bố không ràng buộc về mặt pháp lý được thông qua bởi một cuộc họp thượng đỉnh vào năm 1990 có sự tham dự của hầu hết các nguyên thủ quốc gia và chính phủ châu Âu, cũng như của Hoa Kỳ, Liên Xô và Canada - có thể được coi là phát biểu toàn diện nhất về các nguyên tắc, chuẩn mực, quy tắc và thể chế của cái có thể được gọi là "Trật tự quốc tế tự do 2.1" ( LIO 2.1).

(Còn tiếp )

Ghi Chú :

(1)  Hòa ước Westphalia được đánh giá là văn bản đầu tiên xác nhận chủ thể trong quan hệ quốc tế là quốc gia. Khái niệm quốc gia – dân tộc (nation-state) cũng bước đầu được xác định và Hoà ước được xem là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại. Trong mối quan hệ với Châu Âu ở thế kỉ 17, nó đã đánh dấu thành quả của cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa bá quyền, chống lại khát vọng tạo ra một đế chế siêu quốc gia.

(2) Hội nghị Bretton Woods diễn ra ở Bretton Woods (New Hamshire, Hoa Kỳ) năm 1944, thống nhất mức tỷ giá cố định cho các đồng tiền chính và cho phép ngân hàng trung ương được can thiệp vào thị trường tiền tệ. Chế độ Bretton Woods quy định một ounce vàng có giá 35 đôla Mỹ. Hệ thống Bretton Woods kéo dài từ năm 1944 đến năm 1971.

1    2
3     4     Phần Cuối
-------------------------------------|||----------------------------------

Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.