Lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm: Bên trong cuộc chiến khám phá nguồn gốc của COVID-19. PHẦN I.

Trong suốt năm 2020, quan điểm cho rằng coronavirus mới, rò rỉ từ một phòng thí nghiệm bị cấm bàn đến. Những người dám thúc đẩy sự minh bạch về câu chuyện đó nói rằng chính trị độc hại và các chương trình nghị sự bị che giấu khiến chúng ta chìm trong bóng tối.

Bên trong cuộc chiến khám phá nguồn gốc của COVID19s, Lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm… MINH HỌA BỞI MAX LÖFFLER.

KATHERINE EBAN, NGÀY 3 THÁNG 6 NĂM 2021… Theo Vanity Fair.

Trần H Sa lược dịch.

I. Một nhóm được gọi là DRASTIC

Gilles Demaneuf là một nhà khoa học dữ liệu làm việc ở Ngân hàng New Zealand tại Auckland. Anh ấy được chẩn đoán mắc phải Hội chứng Asperger (*) cách đây 10 năm, và tin rằng nó mang lại cho anh ấy một lợi thế về chuyên môn. Anh nói, “tôi rất giỏi trong việc tìm kiếm các mẫu trong dữ liệu, khi người khác không thấy gì”.

Đầu mùa xuân năm ngoái, khi các thành phố trên toàn thế giới đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, Demaneuf, 52 tuổi, bắt đầu tìm hiểu về nguồn gốc của SARS-CoV-2, loại vi rút gây ra căn bệnh này. Giả thuyết phổ biến cho rằng virus đã nhảy từ dơi sang một số loài khác trước khi lây sang người tại một khu chợ ở Trung Quốc, nơi xuất hiện một số ca bệnh sớm nhất vào cuối năm 2019. Chợ mua bán Huanan, ở thành phố Vũ Hán, là một khu phức hợp gồm các chợ bán hải sản, thịt, trái cây và rau quả. Một số kẻ bán dạo bán các loại động vật hoang dã còn sống — một nguồn có thể có của virus.

Tuy nhiên, đó không phải là lý thuyết duy nhất. Vũ Hán cũng là quê nhà của phòng thí nghiệm nghiên cứu vi rút coronavirus hàng đầu của Trung Quốc, là nơi có một trong những bộ sưu tập về các mẫu dơi và các chủng virus trên dơi lớn nhất thế giới. Shi Zhengli (Thạch chính Lệ), nhà nghiên cứu coronavirus hàng đầu của Viện Virus học Vũ Hán, là một trong những người đầu tiên xác định dơi móng ngựa là ổ chứa tự nhiên cho SARS-CoV, loại virus đã làm bùng phát dịch SARS vào năm 2002, giết chết 774 người và gây bệnh cho hơn 8.000 người trên toàn cầu. Sau SARS, dơi trở thành đối tượng chính cho các nghiên cứu của các nhà virus học trên khắp thế giới, và Shi được biết đến ở Trung Quốc với biệt danh “Người đàn bà dơi”, vì cô ta không hề sợ hãi khi khám phá các hang động của chúng để thu thập mẫu. Gần đây hơn, Shi và các đồng nghiệp của cô tại Viện Virus học Vũ Hán đã thực hiện các thí nghiệm cao cấp khiến mầm bệnh dễ lây lan hơn. Nghiên cứu như vậy, được gọi là "tăng chức năng", vốn từng gây ra tranh cãi nảy lửa giữa các nhà virus học.

Đối với một số người, có vẻ tự nhiên khi đặt câu hỏi 'phải chăng vi rút gây ra đại dịch toàn cầu đã bằng cách nào đó rò rỉ từ một trong những phòng thí nghiệm của Viện Virus học Vũ Hán' - một khả năng mà Shi đã kiên quyết phủ nhận.

Vào ngày 19 tháng 2 năm 2020, The Lancet (* *), một trong những tạp chí y khoa có ảnh hưởng và uy tín nhất trên thế giới, đã xuất bản một tuyên bố bác bỏ hoàn toàn giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm, thực sự coi nó như một người anh em họ của chủ trương bài ngoại với chủ nghĩa phủ nhận biến đổi khí hậu và chủ nghĩa chống vắc xin. Được ký bởi 27 nhà khoa học, tuyên bố thể hiện “sự đoàn kết với tất cả các nhà khoa học và chuyên gia y tế ở Trung Quốc” và khẳng định: “Chúng tôi cùng nhau mạnh mẽ lên án các thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 không có nguồn gốc tự nhiên”.

The Lancet tuyên bố thực sự chấm dứt cuộc tranh luận về nguồn gốc COVID-19 trước khi nó bắt đầu. Đối với Gilles Demaneuf, theo dõi câu chuyện từ bên lề, nó giống như thể đã bị “đóng đinh vào đức tin bất khả lay chuyển”, xem việc thiết lập lý thuyết nguồn gốc tự nhiên là chính thống. “Mọi người phải nghe theo nó. Mọi người đều bị dọa dẫm. Điều đó tạo nên một sắc thái. "

Tuyên bố tạo ấn tượng cho Demaneuf là "hoàn toàn phi khoa học." Đối với anh, nó dường như không chứa đựng bằng chứng hoặc thông tin. Và vì vậy anh ta quyết định bắt đầu cuộc điều tra riêng của mình theo một cách “thích hợp”, không có ý tưởng về những gì mà anh ta sẽ tìm thấy.

Shi Zhengli, nhà nghiên cứu coronavirus hàng đầu của Viện Virus học Vũ Hán, thường xuyên được chụp ảnh trong bộ đồ áp suất căng phồng toàn thân, mặc dù không phải tất cả các phòng thí nghiệm ở đó đều yêu cầu mặc bộ quần áo này. JOHANNES EISELE / AFP / GETTY IMAGES.

Demaneuf bắt đầu tìm kiếm các mẫu trong dữ liệu có sẵn, và không bao lâu anh ta phát hiện ra một mẫu. Các phòng thí nghiệm của Trung Quốc được cho là kín kẻ, với các biện pháp an toàn tương đương với các phòng thí nghiệm ở Mỹ và các nước phát triển khác. Nhưng Demaneuf sớm phát hiện ra rằng đã có bốn vụ tai nạn tràn khỏi phòng thí nghiệm liên quan đến SARS kể từ năm 2004, hai vụ xảy ra tại một phòng thí nghiệm hàng đầu ở Bắc Kinh. Do quá nhiều người ở đó, một loại virus SARS đầy đủ độc lực bị vô hiệu hóa không đúng cách, đã được chuyển đến một tủ lạnh ở hành lang. Một sinh viên tốt nghiệp sau đó đã kiểm tra nó trong phòng kính hiển vi điện tử và đã làm bùng phát dịch bệnh.

Demaneuf công bố những phát hiện của mình trong một bài đăng trên Medium, có tiêu đề “Tốt, Xấu và Tồi tệ : một đánh giá về những trốn thoát khỏi phòng thí nghiệm của SARS.” Sau đó, anh bắt đầu làm việc với một nhà điều tra khác vốn chỉ dựa trên suy luận, Rodolphe de Maistre, là một giám đốc dự án phòng thí nghiệm có trụ sở tại Paris, người trước đây đã học tập và làm việc tại Trung Quốc, de Maistre đang bận rộn vạch trần quan điểm sai trái cho rằng Viện Virus học Vũ Hán không hề là một “phòng thí nghiệm”. Trên thực tế, Viện Virus học Vũ Hán có nhiều phòng thí nghiệm làm việc với coronavirus. Chỉ một trong số chúng có quy trình an toàn sinh học cao nhất : BSL-4, trong đó các nhà nghiên cứu phải mặc bộ quần áo điều áp toàn thân chứa oxy độc lập với bên ngoài. Những phòng thí nghiệm khác được chỉ định là BSL-3 và thậm chí BSL-2, có mức an toàn chỉ gần như một phòng khám nha sĩ ở Mỹ.

Sau khi kết nối với mạng trực tuyến, Demaneuf và de Maistre bắt đầu tập hợp một danh sách đầy đủ các phòng thí nghiệm nghiên cứu ở Trung Quốc. Khi họ đăng phát hiện của mình trên Twitter, họ đã sớm được những người khác trên khắp thế giới tham gia. Một số là các nhà khoa học hàng đầu tại các viện nghiên cứu danh tiếng. Những người khác là những người đam mê khoa học. Cùng nhau, họ thành lập một nhóm gọi là DRASTIC, viết tắt của cụm từ 'Nhóm tìm kiếm cấp tiến tự trị phi tập trung Điều tra COVID-19' (Decentralized Radical Autonomous Search Team Investigating COVID-19). Mục tiêu đã nêu của họ là giải đáp câu đố về nguồn gốc của COVID-19.

Đôi khi, những người khác xem xét lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm có vẻ như chỉ là những người có suy nghĩ lập dị hoặc là những kẻ trung thành với đảng phái chính trị mang hy vọng vận dụng COVID-19 như một chiếc dùi cui chống lại Trung Quốc. Ví dụ, cựu cố vấn chính trị của Tổng thống Donald Trump, Steve Bannon, đã hợp lực với một tỷ phú Trung Quốc sống lưu vong tên là Guo Wengui, thúc đẩy các tuyên bố rằng Trung Quốc đã phát triển căn bệnh này như một vũ khí sinh học và có mục đích tung nó ra thế giới. Để chứng minh, họ đã nâng bi một nhà khoa học Hồng Kông xung quanh các phương tiện truyền thông cánh hữu, cho đến khi lộ rõ cô ấy thiếu chuyên môn thì bắt cô ta phải giả vờ ngớ ngẩn.

Với một bên dở hơi có thành tích bất hảo và bên còn lại là những chuyên gia đáng khinh miệt, các nhà nghiên cứu DRASTIC thường cảm thấy như thể họ đang ở trong vùng hoang dã của riêng họ, nghiên cứu về sự bí ẩn cấp bách nhất của thế giới. Họ không đơn độc. Các nhà điều tra bên trong chính phủ Hoa Kỳ đặt những câu hỏi tương tự, nhưng phải hoạt động trong một môi trường bị chính trị hóa và thù địch với việc điều tra mở, những kẻ cấm cản điều tra này luôn thiếu tôn trọng quan điểm đối lập và khó mở rộng tầm nhìn của họ, thường thấy trên Twitter. Khi chính bản thân ông Trump lan truyền giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm vào tháng 4 năm ngoái, sự chia rẻ và thiếu uy tín của ông ấy đã khiến mọi thứ trở nên thách thức đối với những người tìm kiếm sự thật, nhiều hơn chứ không ít hơn

David Asher, một cựu điều tra viên cao cấp theo hợp đồng với Bộ Ngoại giao cho biết: “Những người của DRASTIC đang nghiên cứu tốt hơn chính phủ Hoa Kỳ."

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao?

"Các nhà điều tra của Bộ Ngoại giao cho biết họ đã nhiều lần được khuyên không nên mở “hộp Pandora”.

II. "Một Mớ Bòng bong".

(Còn tiếp ).

_ Chú thích :

(*) Những người mắc hội chứng Asperger tự kỷ từ nhỏ, thông minh và kỹ năng nói tốt hơn mức trung bình, do đó hội chứng này còn được gọi là tự kỷ chức năng cao… THS.

(**) Sự thật về The Lancet, mời xem ở đây : https://hoangsa.home.blog/2021/07/28/lancet-trung-quoc-va-nguon-goc-cua-coronavirus/

PI       P II      P III P IV    P V    P VI    P CUỐI.     


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.