Lý thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm: Bên trong cuộc chiến khám phá nguồn gốc của COVID-19. PHẦN V.

Cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger cho biết tình trạng "mâu thuẫn" của các chuyên gia hàng đầu, những người đã phê duyệt hoặc được nhận tài trợ cho nghiên cứu 'tăng chức năng' "đóng một vai trò sâu sắc trong việc làm vẩn đục câu chuyện và gây ô nhiễm cho việc có một cuộc điều tra khách quan."…

Cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Matthew Pottinger cho biết tình trạng "mâu thuẫn" của các chuyên gia hàng đầu, những người đã phê duyệt hoặc nhận được tài trợ cho nghiên cứu 'tăng chức năng' "đóng một vai trò sâu sắc trong việc làm vẩn đục câu chuyện và gây ô nhiễm cho việc có một cuộc điều tra khách quan."… JABIN BOTSFORD / THE WASHINGTON POST / GETTY IMAGES.

KATHERINE EBAN, NGÀY 3 THÁNG 6 NĂM 2021… Theo Vanity Fair.

Trần H Sa lược dịch.

VIII. Cuộc tranh luận về 'tăng chức năng'.

Vào ngày 3 tháng 1 năm 2020, Tiến sĩ Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nhận được một cuộc điện thoại từ người đồng cấp là Tiến sĩ George Fu Gao, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc. Gao mô tả sự xuất hiện của một căn bệnh viêm phổi mới, bí ẩn, dường như chỉ giới hạn ở những người bán hàng tại một khu chợ ở Vũ Hán. Redfield ngay lập tức đề nghị cử một nhóm chuyên gia đến hỗ trợ điều tra.

Nhưng khi Redfield nhìn thấy sự cố của các ca bệnh ban đầu, một số trong số đó là các cụm gia đình, thì lời giải thích về ngôi chợ ít có ý nghĩa hơn. Redfield cho biết, liệu có thể có nhiều thành viên trong gia đình bị bệnh khi cùng tiếp xúc với một con vật ở chợ hay không ? Gao bảo đảm với ông rằng không có sự lây truyền từ người sang người, tuy nhiên, Redfield đã thúc giục Gao thử nghiệm rộng rãi hơn trong cộng đồng. Nỗ lực đó đã đưa đến một cuộc gọi điện thoại trở lại đầy nước mắt. Gao thừa nhận, nhiều trường hợp không liên quan gì đến ngôi chợ. Virus dường như đang nhảy từ người này sang người khác, một kịch bản đáng sợ hơn rất nhiều.

Redfield nghĩ ngay đến Viện Virus học Vũ Hán. Một nhóm chuyên gia có thể loại trừ nguồn bùng phát dịch chỉ trong vài tuần, bằng cách kiểm tra các nhà nghiên cứu ở đó để tìm kháng thể. Redfield chính thức nhắc lại lời đề nghị cử chuyên gia của ông đến Vũ Hán, nhưng các quan chức Trung Quốc đã không đáp lại lời đề nghị của ông.

Redfield, một nhà virus học được đào tạo, nghi ngờ Viện Virus học Vũ Hán một phần vì ông ta đã đắm chìm trong cuộc chiến kéo dài nhiều năm về nghiên cứu 'tăng chức năng'. Cuộc tranh luận đã nhấn chìm cộng đồng virus học vào năm 2011, sau khi Ron Fouchier, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Erasmus ở Rotterdam, tuyên bố rằng ông ta đã biến đổi gen của chủng cúm gia cầm H5N1 để làm cho nó có thể lây truyền giữa những con chồn, loài có gen gần với người hơn chuột. Fouchier điềm nhiên tuyên bố rằng ông ta đã tạo ra “có lẽ là một trong những loại virus nguy hiểm nhất mà bạn có thể tạo ra”.

Trong sự náo động tiếp theo, các nhà khoa học đã đấu tranh với những rủi ro và lợi ích của loại nghiên cứu đó. Những người ủng hộ tuyên bố nó có thể giúp ngăn chặn đại dịch, bằng cách nêu bật những nguy cơ tiềm ẩn và thúc đẩy quá trình phát triển vắc xin. Các nhà chỉ trích cho rằng việc tạo ra các mầm bệnh vốn không tồn tại trong tự nhiên có nguy cơ làm phát tán chúng.

Vào tháng 10 năm 2014, chính quyền Obama đã áp đặt lệnh cấm tài trợ mới cho các dự án nghiên cứu 'tăng chức năng' mà có thể khiến cho vi rút cúm, MERS hoặc SARS trở nên độc hại hơn hoặc dễ lây lan hơn. Nhưng phần chú thích của tuyên bố thông báo lệnh tạm hoãn chỉ ra một ngoại lệ dành cho các trường hợp được coi là "cần thiết khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng hoặc an ninh quốc gia."

Trong năm đầu tiên của chính quyền Trump, lệnh cấm đã được dỡ bỏ và thay thế bằng hệ thống xem xét được gọi là khuôn khổ HHS P3CO, tức là khuôn khổ dành cho Giám sát và Chăm sóc mầm dịch bệnh tiềm tàng (Potential Pandemic Pathogen Care and Oversight ). Khuôn khổ này đặt ra nhiệm vụ cho cơ quan hoặc bộ phận liên bang tài trợ cho nó phải bảo đảm sự an toàn của bất kỳ nghiên cứu nào như vậy. Điều này khiến quá trình xem xét bị che đậy trong bí mật. Tiến sĩ Marc Lipsitch, nhà dịch tễ học của Harvard, người chủ trương chống lại nghiên cứu tăng chức năng vốn đã giúp đưa ra lệnh tạm hoãn hồi 2014, cho biết: “Tên của những người đánh giá không được tiết lộ, và chi tiết của các thí nghiệm được xem xét phần lớn là bí mật. (Phát ngôn viên của Viện Y Tế Quốc Gia nói với Vanity Fair rằng “thông tin về các đơn xin đặc biệt chưa được cấp vốn không được công khai để giữ bí mật và bảo vệ thông tin nhạy cảm, dữ liệu sơ bộ và sở hữu trí tuệ.”)

Bên trong Viện Y Tế Quốc Gia, nơi tài trợ cho nghiên cứu như vậy, khuôn khổ P3CO phần lớn gặp phải những cái nhún vai và những phớt lờ, một quan chức lâu năm của cơ quan cho biết: “Nếu bạn cấm nghiên cứu về 'tăng chức năng', bạn sẽ cấm mọi lãnh vực của virus học”. Anh ấy nói thêm, "Kể từ khi ban hành lệnh cấm, mọi người đều hầu như không để ý đến lệnh cấm và bằng mọi cách phải thực hiện nghiên cứu về 'tăng chức năng'."

Peter Daszak, 55 tuổi, người gốc Anh, là chủ tịch của EcoHealth Alliance, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Thành phố New York, với mục tiêu đáng khen ngợi là ngăn chặn sự bùng phát của các bệnh mới nổi bằng cách bảo vệ hệ sinh thái. Vào tháng 5 năm 2014, năm tháng trước khi lệnh cấm nghiên cứu 'tăng chức năng' được công bố, EcoHealth đã có được một khoản tài trợ của Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, trị giá khoảng 3,7 triệu đô la, khoản tài trợ này được phân bổ một phần cho các đơn vị khác nhau tham gia thu thập mẫu dơi, xây dựng mô hình và thực hiện các thí nghiệm về 'tăng chức năng', để xem loại vi rút động vật nào có thể truyền sang người. Khoản tài trợ này không bị tạm dừng theo lệnh cấm hoặc khuôn khổ P3CO sau lệnh cấm. (ngày 19/12/2017, lệnh cấm được dỡ bỏ và khuôn khổ P3CO ra đời…/ THS)

Vào năm 2018, EcoHealth Alliance đã thu được khoản tiền tài trợ lên đến 15 triệu đô la mỗi năm từ một loạt các cơ quan liên bang, bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, theo 990 mẫu miễn thuế mà EcoHealth Alliance đã nộp cho Văn phòng từ thiện của Tổng chưởng lý bang New York. Bản thân Shi Zhengli đã liệt kê khoản hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ trị giá hơn 1,2 triệu đô la trong sơ yếu lý lịch của cô: 665.000 đô la của Viện Y Tế Quốc Gia kể từ năm 2014 đến 2019; và 559,500 đô la của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ trong cùng thời gian. Ít nhất một số khoản tiền đó đã được chuyển thông qua EcoHealth Alliance.

Hoạt động của EcoHealth Alliance trong việc phân chia các khoản trợ cấp lớn của chính phủ thành các khoản tài trợ phụ nhỏ hơn, cho các phòng thí nghiệm và tổ chức cá nhân đã khiến nó có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực virus học. Richard Ebright của đại học Rutgers cho biết, tổng số tiền cung cấp cho phép nó “mua rất nhiều sự im lặng” từ các phòng thí nghiệm mà nó hỗ trợ. (Trả lời các câu hỏi chi tiết, phát ngôn viên của EcoHealth Alliance thay mặt cho tổ chức và Daszak nói: “Chúng tôi không có bình luận gì.”)

Khi đại dịch hoành hành, sự hợp tác giữa EcoHealth Alliance và Viện Virus học Vũ Hán đã trở thành điểm nhấn của chính quyền Trump. Tại cuộc họp báo về COVID-19 của Tòa Bạch Ốc vào ngày 17 tháng 4 năm 2020, một phóng viên của hãng truyền thông cánh hữu Newsmax đã hỏi Trump một câu hỏi không chính xác với thực tế, về khoản trợ cấp của Viện Y Tế Quốc gia trị giá 3,7 triệu đô la cho một phòng thí nghiệm cấp bốn ở Trung Quốc. "Tại sao Mỹ lại cung cấp một khoản viện trợ như vậy cho Trung Quốc?" phóng viên hỏi.

Ông Trump đã trả lời, "Chúng tôi sẽ kết thúc khoản trợ cấp đó rất nhanh chóng," nói thêm, "Tôi tự hỏi khi đó ai là tổng thống." !!!

Một tuần sau, một quan chức của Viện Y Tế Quốc gia thông báo bằng văn bản cho Daszak rằng tài trợ của ông đã bị chấm dứt. Lệnh được đưa ra từ Tòa Bạch Ốc, sau đó Tiến sĩ Anthony Fauci đã làm chứng trước một ủy ban quốc hội. Quyết định này đã châm ngòi cho một cơn bão lửa : 81 người đoạt giải Nobel khoa học đã tố cáo quyết định này trong một bức thư ngỏ gửi cho các quan chức y tế của Trump, và 'chương trình 60 phút' đã cho chạy một phân đoạn tập trung vào cái họ gọi là "chính trị hóa khoa học một cách thiển cận của chính quyền Trump."

Daszak xem ra là nạn nhân của một công việc chính trị nhận lương hậu hĩnh, đã dàn dựng để đổ lỗi cho Trung Quốc, Tiến sĩ Fauci và nói chung là đổ lỗi cho các nhà khoa học về đại dịch, trong khi đánh lạc hướng phản ứng lộn xộn của chính quyền Trump. Quan chức của Viện Y Tế Quốc gia cho biết “Về cơ bản Tiến sĩ Fauci là một con người tuyệt vời, tử tế” và là một “người vị tha kiểu cũ". Nhìn điều này xảy ra với ông ta, nó thực sự đau đớn đối với tôi."

Vào tháng 7, Viện Y Tế Quốc gia đã cố gắng đổi ý. Nó đã khôi phục lại khoản tài trợ nhưng đình chỉ các hoạt động nghiên cứu cho đến khi EcoHealth Alliance đáp ứng đủ bảy điều kiện, một số điều kiện trong số đó vượt ra khỏi phạm vi hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận như EcoHealth Alliance và dường như đi lạc vào lãnh thổ của người ngoài hành tinh tin vào các âm mưu của chính phủ. Chúng bao gồm : cung cấp thông tin về sự “biến mất rõ ràng” của một nhà nghiên cứu thuộc Viện Virus học Vũ Hán, người được đồn đại trên mạng xã hội là không kiên nhẫn, giải thích về lưu lượng điện thoại di động đã bị giảm và những trở ngại xung quanh Viện Virus học Vũ Hán vào tháng 10 năm 2019.

Nhưng những người bảo thủ có đầu óc âm mưu không phải là những người duy nhất nhìn Daszak một cách ngờ vực. Ebright đã ví mô hình nghiên cứu của Daszak - mang các mẫu từ một vùng hẻo lánh xa xôi đến thành thị, sau đó xác định trình tự rồi phát triển virus và cố gắng biến đổi gen để khiến chúng trở nên độc hại hơn - như việc “tìm kiếm rò rỉ khí gas bằng que diêm đang cháy”. Hơn nữa, Ebright tin rằng nghiên cứu của Daszak đã thất bại trong mục đích dự đoán và ngăn chặn đại dịch thông qua sự hợp tác toàn cầu của nó.

Căn cứ vào các email do một nhóm Tự do Thông tin có tên US Right to Know, một thông tin sớm nổi lên rằng, Daszak không chỉ ký mà còn tổ chức tuyên bố có ảnh hưởng của Lancet, với ý định che giấu vai trò của ông ta và tạo ấn tượng về sự đồng ý hoàn toàn của giới khoa học.

Dưới dòng tiêu đề, “Không cần bạn ký vào 'Tuyên bố' …Ralph !!”, ông ấy viết cho hai nhà khoa học, bao gồm Tiến sĩ Ralph Baric của đại học Bắc Carolina, người đã hợp tác với Shi Zhengli trong nghiên cứu 'tăng chức năng' mà đã tạo ra một loại coronavirus có khả năng lây nhiễm vào tế bào người, rằng : "bạn, tôi và ông ấy không nên ký vào bản tuyên bố này, vì như vậy, nó có một khoảng cách nào đó với chúng ta và do đó không bị phản tác dụng." Daszak nói thêm, "Sau đó, chúng ta sẽ đưa nó ra theo cách không liên kết nó trở lại với sự hợp tác của chúng ta để chúng ta tối đa hóa tiếng nói độc lập."

Baric đồng ý và viết lại, "Nếu không, nó trông có vẻ vì lợi ích cá nhân và chúng ta mất tác động."

Baric đã không ký vào bản tuyên bố. Cuối cùng, Daszak đã làm được. Ít nhất sáu người ký tên khác trong tuyên bố Lancet hoặc đã từng làm việc tại EcoHealth Alliance hoặc đã được EcoHealth Alliance tài trợ. Tuyên bố kết thúc với một công bố khách quan: "Chúng tôi công bố không có cạnh tranh lợi ích."

Daszak huy động quá nhanh là có lý do, Jamie Metzl nói: “Nếu chứng bệnh có động vật là nguồn gốc, thì đó là sự xác nhận… cho công việc suốt đời của ông ấy…. Nhưng nếu đại dịch bắt đầu như một phần của vụ rò rỉ từ phòng thí nghiệm, thì nó có khả năng ảnh hưởng đến virus học như những gì mà Three Mile Island và Chernobyl đã làm đối với khoa học hạt nhân ”. Nó có thể khiến lĩnh vực này bị sa lầy vô thời hạn trong các giới hạn và hạn chế về kinh phí.

IX. Những bản ghi nhớ đấu tay đôi.

Vào mùa hè năm 2020, cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 của Bộ Ngoại giao Mỹ đã đi đến nguội lạnh. Các quan chức trong Cục Kiểm soát, Xác minh và Phê chuẩn Vũ khí đã quay trở lại công việc bình thường của họ: giám sát thế giới về các mối đe dọa sinh học. Thomas DiNanno nói: “Chúng tôi không còn tìm kiếm ở Vũ Hán". Vào mùa thu năm đó, nhóm của Bộ Ngoại giao đã nhận được một lời mách nước từ một nguồn nước ngoài: "Thông tin chính có thể nằm trong hồ sơ riêng của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ, chưa được phân tích." Một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, vào tháng 11, người mách nước đó đã đưa ra thông tin tuyệt mật “hoàn toàn lôi cuốn và gây sốc”. Ba nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán, tất cả đều có liên quan đến nghiên cứu 'tăng chức năng' trên coronavirus, đã bị ốm vào tháng 11 năm 2019 và dường như đã đến bệnh viện với các triệu chứng tương tự như COVID-19, ba quan chức chính phủ nói với Vanity Fair.

Mặc dù không rõ điều gì đã khiến họ bị bệnh, nhưng “đây không phải là những người gác cửa,” cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết. “Họ là những nhà nghiên cứu tích cực. Ngày tháng là một trong những phần tuyệt đối hấp dẫn nhất của bức tranh, bởi vì chúng cho thấy vào lúc nào thì ở đó sẽ lộ chân tướng, nếu đây là nguồn gốc." Phản ứng bên trong Bộ Ngoại giao là, "Chết tiệt", một cựu quan chức cấp cao nhớ lại. "Chúng ta có lẽ nên nói với sếp của mình." Cuộc điều tra rầm rộ trở lại cuộc sống.

Một nhà phân tích tình báo làm việc với David Asher đã sàng lọc các kênh được coi là mật và đưa ra một báo cáo nêu rõ lý do tại sao giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm là hợp lý. Báo cáo đó nói về các nhà nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán bị bệnh đã được viết vào tháng 5 bởi các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, nơi thực hiện nghiên cứu an ninh quốc gia cho Bộ Năng lượng. Nhưng nó dường như đã bị giấu đi trong hệ thống sưu tập được coi là mật.

Blog của Jamie Metzl đã trở thành một trang web truy cập cho các nhà nghiên cứu của chính phủ và các nhà báo kiểm tra giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Trong bài đăng đầu tiên của mình về chủ đề này, anh ấy đã viết, "Tôi không hề tìm cách để ủng hộ hoặc sắp xếp bản thân mình với bất kỳ hoạt động nào mà có thể bị coi là không công bằng, không trung thực, chủ nghĩa dân tộc, phân biệt chủng tộc, cố chấp hoặc thiên vị theo bất kỳ bên nào." … ALEX WONG / GETTY IMAGES.

Bây giờ các quan chức bắt đầu nghi ngờ ai đó thực sự đang che giấu tài liệu hỗ trợ cho một lời giải thích rò rỉ từ phòng thí nghiệm. "Tại sao đối tác cung cấp thông tin của tôi phải để lọt tài liệu?" DiNanno thắc mắc. Sự nghi ngờ của họ càng gia tăng khi các quan chức Bộ Năng lượng giám sát phòng thí nghiệm Lawrence Livermore thất bại trong việc cố gắng ngăn các điều tra viên của Bộ Ngoại giao nói chuyện với các tác giả của báo cáo.

Sự thất vọng của họ lên đến đỉnh điểm vào tháng 12, khi cuối cùng họ thông báo cho Chris Ford, quyền thứ trưởng về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế. Ông ta có vẻ thù địch với cuộc thăm dò của họ đến nỗi họ coi ông ta như một công chức phản diện, nhất quyết muốn minh oan cho sự sai trái của Trung Quốc. Nhưng Ford, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân, từ lâu đã là một người cứng rắn với Trung Quốc. Ford nói với Vanity Fair rằng ông thấy công việc của mình là bảo vệ tính toàn vẹn của bất kỳ cuộc điều tra nào về nguồn gốc của COVID-19, nằm trong tầm hiểu biết của ông. Ford tin rằng đi với “những thứ khiến chúng ta trông giống như một nhóm người có suy nghĩ lập dị” sẽ phản tác dụng.

Có một lý do khác cho sự thù địch của ông ta. Ông ấy đã nghe về cuộc điều tra từ các đồng nghiệp liên ngành, chứ không phải chính từ nhóm, và sự dấm dúi khiến ông ấy có “cảm giác ma quái” rằng quá trình này là một kiểu “làm việc vô quy tắc khiến sởn gai ốc”. Ông tự hỏi: "Có ai từng phát động một cuộc điều tra vô trách nhiệm mà đạt được mục tiêu là một kết quả mong muốn hay không ?"

Ông ấy không phải là người duy nhất lo lắng. Như một quan chức chính phủ cao cấp có kiến ​​thức về cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao cho biết, “Họ đã viết điều này cho một số khách hàng nào đó trong chính quyền Trump. Chúng tôi đã yêu cầu báo cáo đằng sau các tuyên bố đã được đưa ra. Mất một thời gian rất lâu bạn mới đọc được báo cáo, nó tham chiếu điều này đến một tweet và một ngày tháng. Tweet đó không phải là thứ mà bạn có thể quay lại và tìm thấy. "

Ford nhớ lại, sau khi nghe kết quả điều tra của các nhà điều tra, một chuyên gia kỹ thuật tại một trong những văn phòng vũ khí sinh học của Bộ Ngoại giao “nghĩ rằng họ là những kẻ lừa đảo”.

Về phần mình, nhóm của Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng Ford là người đang cố gắng đưa ra một kết luận có định kiến : rằng COVID-19 có nguồn gốc tự nhiên. Một tuần sau, một người trong số họ tham dự cuộc họp ở nơi mà Christopher Park, người làm việc dưới quyền của Ford, được cho là đã khuyên những người hiện diện không nên kéo sự chú ý đến việc Mỹ tài trợ cho nghiên cứu 'tăng chức năng'.

Với trạng thái cố kiềm chế sự nghi ngờ sâu sắc, nhóm của Bộ Ngoại giao đã triệu tập một hội đồng chuyên gia thân tín để mô phỏng sự đánh đổ giả thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ý tưởng là tấn công lý thuyết và xem liệu nó có đứng vững hay không. Cuộc thảo luận diễn ra vào tối ngày 7 tháng 1, một ngày sau cuộc nổi dậy tại Điện Capitol. Vào lúc đó, Ford đã thông báo kế hoạch từ chức của mình.

Trong vòng 3 tiếng đồng hồ, 29 người đã đăng nhập vào cuộc gọi điện video được bảo mật của Bộ Ngoại giao, theo biên bản cuộc họp do Vanity Fair thu được. Các chuyên gia khoa học bao gồm Ralph Baric, Alina Chan, và nhà vi sinh vật học ở Stanford, David Relman.

Asher đã mời Tiến sĩ Steven Quay, một chuyên gia về ung thư vú, người đã thành lập một công ty dược phẩm sinh học, trình bày một phân tích thống kê cân nhắc xác suất nguồn gốc rò rỉ từ phòng thí nghiệm so với nguồn gốc tự nhiên. Trước phân tích cắt bỏ bớt của Quay, Baric lưu ý rằng các tính toán của nó không tính đến hàng triệu chuỗi trình tự dơi tồn tại trong tự nhiên nhưng vẫn chưa được biết đến. Khi một cố vấn của Bộ Ngoại giao hỏi Quay liệu anh ta đã bao giờ thực hiện một phân tích tương tự hay chưa, anh ta trả lời rằng “đây là lần đầu tiên mà tôi làm,” theo biên bản cuộc họp.

Mặc dù họ đặt câu hỏi về phát hiện của Quay, nhưng các nhà khoa học đã thấy những lý do khác để nghi ngờ nguồn gốc rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Relman cho biết một phần trong sứ mệnh của Viện Virus học Vũ Hán là lấy mẫu từ thế giới tự nhiên và đưa ra những cảnh báo sớm về “virus có khả năng xâm nhập vào con người”. Vụ lây nhiễm năm 2012 của sáu thợ mỏ "xứng đáng là tiêu đề với chử lớn được viết vào thời điểm đó." Tuy nhiên, những ca bệnh đó chưa bao giờ được báo cáo cho WHO.

Baric nói thêm rằng, nếu SARS-CoV-2 đến từ một “ổ chứa động vật khỏe mạnh”, thì người ta có thể kỳ vọng sẽ thấy “nhiều sự kiện xuất hiện”, thay vì một đợt bùng phát duy nhất, mặc dù ông cảnh báo rằng điều đó không chứng minh được “[điều này ] là một tẩu thoát khỏi phòng thí nghiệm." Điều đó khiến Asher đặt câu hỏi, "Có thể nào cái này không phải là công nghệ sinh học chưa hoàn chỉnh ?"

Ford đã gặp rắc rối với thứ mà ông coi là bằng chứng yếu kém của ban hội thẩm, và cuộc điều tra bí mật diễn ra trước đó, đến nỗi ông đã thức cả đêm để tóm tắt những lo lắng của ông trong một bản ghi nhớ dài bốn trang. Sau khi lưu nó dưới dạng PDF để không thể thay đổi, ông ấy đã gửi bản ghi nhớ này qua email cho nhiều quan chức Bộ Ngoại giao vào sáng hôm sau.

Trong bản ghi nhớ, Ford đã chỉ trích sự “thiếu dữ liệu” của ban hội thẩm và nói thêm, “Tôi cũng cảnh báo các bạn không nên đề xuất rằng có bất cứ điều gì đáng ngờ — gợi ý về hoạt động chiến tranh sinh học — về sự dính líu của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) tại Viện Virus học Vũ Hán trên các dự án được coi là mật. [Tôi] sẽ rất khó để nói rằng sự tham gia của quân đội vào nghiên cứu virus được coi là mật thì về bản chất là có vấn đề, vì Quân đội Hoa Kỳ đã tham gia sâu vào nghiên cứu virus ở Hoa Kỳ trong nhiều năm. ”

Thomas DiNanno đã gửi lại một bài dài 5 trang phản bác bản ghi nhớ của Ford vào ngày hôm sau, ngày 9 tháng 1 (mặc dù nó bị ghi nhầm thành “9/12/21”). Ông cáo buộc Ford đã trình bày sai những nỗ lực của ban hội thẩm và liệt kê những trở ngại mà nhóm của ông đã phải đối mặt: “sự e ngại và khinh thường” từ các nhân viên kỹ thuật; cảnh báo không điều tra nguồn gốc của COVID-19 vì sợ mở “mớ bòng bong”; và “thiếu hoàn toàn các câu trả lời cho các cuộc họp giao ban và các bài thuyết trình.” Ông nói thêm rằng Quay chỉ được mời sau khi Hội đồng Tình báo Quốc gia không cung cấp trợ giúp thống kê.

Những nghi ngờ lẫn nhau đáng giá trong một năm, cuối cùng đã tràn ra thành những bản ghi nhớ đấu tay đôi.

Các nhà điều tra của Bộ Ngoại giao đã thúc đẩy, quyết tâm công khai mối quan tâm của họ. Họ tiếp tục một nỗ lực kéo dài hàng tuần để giải mật thông tin đã được kiểm tra bởi cộng đồng tình báo. Vào ngày 15 tháng 1, năm ngày trước khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức, Bộ Ngoại giao đã công bố một tờ thông tin về hoạt động tại Viện Virus học Vũ Hán, tiết lộ thông tin quan trọng : rằng một số nhà nghiên cứu ở đó đã bị ốm với các triệu chứng giống COVID-19 vào mùa thu năm 2019, trước khi trường hợp bùng phát đầu tiên được xác định; và rằng các nhà nghiên cứu ở đó đã hợp tác trong các dự án bí mật với quân đội Trung Quốc và “tham gia vào nghiên cứu bí mật, bao gồm các thí nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm, nhân danh quân đội Trung Quốc kể từ ít nhất là năm 2017”.

Tuyên bố đã giữ vững “sự nghi ngờ xốc vác,” như một cựu quan chức Bộ Ngoại giao đã nói, và chính quyền Biden không phản đối. “Tôi rất vui khi thấy tuyên bố của Pompeo được thông qua,” Chris Ford, người đã tự mình ký vào bản thảo của tờ thông tin trước khi rời Bộ Ngoại giao, cho biết. "Tôi rất nhẹ nhõm vì họ sử dụng báo cáo thực tế đã được kiểm tra chặt chẽ và đã làm sáng tỏ vấn đề."

X. Sứ mệnh tìm kiếm thực tế ở Vũ Hán.

( Còn tiếp)

PI       P II      P III     P IV    P V    P VI    P CUỐI.   


Bài đăng phổ biến từ blog này

Trung Quốc đang đụng đầu với khủng hoảng ?

Nỗi sợ ngân hàng gây thêm đau đầu cho nền kinh tế Trung Quốc.

Xung đột vũ trang ở Biển Đông.